Đầu tư phát triển hệ thống giao thông Tây Nguyên

Mạng lưới giao thông vùng Tây Nguyên đã có tổng chiều dài gần 40.000 km, với tỷ lệ được cứng hóa đạt gần 48%.

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong mấy năm qua, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, Nhà nước đã đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng để phát triển hệ thống giao thông vùng Tây Nguyên, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn. 

Chỉ riêng từ năm 2011 đến nay, Nhà nước đã đầu tư trên 64.069 tỷ đồng, bằng 1/6 tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội của vùng Tây Nguyên; trong đó, khoảng 45.300 tỷ đồng là vốn cho các công trình quốc lộ do Trung ương quản lý, phần còn lại là vốn cho các công trình địa phương quản lý. 

Cũng theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, mạng lưới giao thông vùng Tây Nguyên đã có tổng chiều dài gần 40.000 km, với tỷ lệ được cứng hóa đạt gần 48%; trong đó, quốc lộ dài 2.517 km, tỷ lệ cứng hoá đạt 88,28%, đường tỉnh dài gần 2.000 km đã cứng hoá 85,3%, còn lại là hệ thống đường giao thông nông thôn, đạt tỷ lệ cứng hoá gần 43% (gồm đường huyện, đường xã, thôn, buôn…). 

Hoạt động vận chuyển hành khách tại sân bay Buôn Ma Thuột. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Toàn vùng cũng đã có 145/600 xã đạt tiêu chí về giao thông. Nhiều công trình giao thông trọng yếu của vùng Tây Nguyên đã được đầu tư hoàn thành, làm thay đổi bộ mặt của vùng như đã thông tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14) dài 419 km từ Tân Cảnh (Kom Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước), Quốc lộ 20 dài 116 km (đoạn Dầu Giây – Bảo Lộc và đoạn Trại Mát- Lâm Đồng), Quốc lộ 28 (đoạn tránh thuỷ điện Đồng Nai 3 và 4 qua tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông), Quốc lộ 19… 

Các cảng hàng không Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), Liên Khương (Lâm Đồng), Pleiku (Gia Lai) cũng đã được đầu tư nâng cấp mở rộng, để các loại máy bay cỡ lớn như A320, A321 cất, hạ cánh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận tải hành khách, hàng hoá trong vùng thông suốt, nhanh chóng. Trước đây, người dân đi xe khách từ thành phố Buôn Ma Thuột về TP Hồ Chí Minh phải mất hơn 14 đến 15 tiếng với đoạn đường trên 330km, nhưng nay chỉ còn 10 đến 11 tiếng đồng hồ… 

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đã góp phần thu hút nguồn vốn đầu tư, nhất là từ các doanh nghiệp ngoài quốc doanh; vốn đầu tư của nước ngoài. Chỉ riêng trong 5 năm (từ năm 2011- 2015) tăng trưởng GRDP bình quân toàn vùng đạt 7,19%/năm, bằng 4,92 lần tốc độ tăng dân số. Thu nhập bình quân đầu người tăng 10,45%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng…

Quang Huy (TTXVN)
Các tỉnh Tây Nguyên có trên 100 xã, 1 huyện đạt chuẩn
Các tỉnh Tây Nguyên có trên 100 xã, 1 huyện đạt chuẩn

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 100 xã và 1 huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN