Tái cơ cấu nông nghiệp Tây Nguyên

Sản xuất bền vững, chuyển đổi cây trồng, tăng cường liên kết vùng... là những giải pháp được tính tới nhằm tái cơ cấu hiệu quả với sản xuất nông nghiệp ở Tây Nguyên.

Cà phê phát triển vượt quy hoạch

Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của các tỉnh Tây Nguyên. Đây cũng là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm của các địa phương. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt diện tích cà phê hiện nay đang dẫn đến những hệ lụy cần phải giải quyết.

Mô hình trồng hoa lan ứng dụng công nghệ cao tại huyện Cư M’Gar (Đắk Lắk). Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Theo ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, những năm trước đây, do lợi nhuận từ trồng cà phê tăng cao nên người dân đua nhau mở rộng diện tích, dẫn đến quy hoạch sử dụng đất bị phá vỡ, một số diện tích cây trồng khác bị thu hẹp, không phát triển, đặc biệt là diện tích rừng, kể cả rừng phòng hộ bị lấn chiếm.

 

Trong 5 năm trở lại đây, mặc dù tỉnh Đắk Lắk đã có Nghị quyết chuyên đề về phát triển cà phê bền vững; trong đó, có đề cập đến việc giảm diện tích, các ngành, các cấp cũng khuyến nghị các nông hộ không được mở rộng diện tích nhưng diện tích cà phê vẫn tăng lên, thậm chí, ở cả những vùng đất không thích hợp, không có nguồn nước tưới.


Ông Trần Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên:

 Liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm 

Việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã bước đầu hình thành đối với một số sản phẩm nhưng còn nặng tính tự phát, chưa phát huy hiệu quả, mới dừng lại ở khâu sản xuất và sơ chế thô, chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến - thị trường, từ cung ứng các yếu tố đầu vào đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm cuối cùng để tạo ra những sản phẩm có khả năng tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu với thương hiệu và giá trị gia tăng cao. Giá trị gia tăng để lại cho Tây Nguyên trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp và bắt đầu có xu hướng giảm. Cà phê là sản phẩm nông nghiệp chiếm phần lớn sản lượng cà phê của cả nước, nhưng chưa có chiến lược thị trường phù hợp để thúc đẩy phát triển bền vững, doanh nghiệp trong nước chưa liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ để làm chủ thị trường, còn bị doanh nghiệp nước ngoài chèn ép, chiếm lĩnh thị trường, thương hiệu.

So với quy hoạch đến năm 2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tổng diện tích cà phê của cả vùng Tây Nguyên đã vượt qua diện tích quy hoạch gần 114.000 ha (573.401/459.500 ha). Trong đó, tỉnh Đắk Lắk đã vượt quy hoạch trên 34.000 ha, Đắk Nông vượt gần 49.500 ha, Lâm Đồng vượt 22.000 ha, Gia Lai vượt trên 6.000 ha, Kon Tum vượt trên 1.500 ha.


Việc phát triển cà phê không theo quy hoạch, kế hoạch đã ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Tình trạng suy giảm đất canh tác, đất đai bị thoái hóa đang diễn ra nhanh. Biến đổi khí hậu, sự biến động giá cà phê cùng vật tư đầu vào các loại tăng mạnh làm thiệt hại lớn đến người sản xuất.


Mùa khô vừa qua, các tỉnh Tây Nguyên đã có trên 134.594 ha cà phê bị khô hạn, thiếu nước tưới làm giảm năng suất hoặc mất trắng; trong đó tỉnh Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê bị khô hạn nhiều nhất với 68.780 ha, có gần 5.000 ha cà phê bị mất trắng.


Trong khi đó, hình thức tổ chức sản xuất cà phê trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún. Hiện nay diện tích cà phê của Đắk Lắk già hóa hết chu kỳ kinh doanh ngày càng tăng. Tổng diện tích cà phê già cỗi, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém cần tái canh từ năm 2013 đến năm 2020 của tỉnh là 30.442 ha. Việc chăm sóc, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, cũng như công tác quản lý, bảo vệ chưa tốt, thu hoạch quả xanh còn chiếm tỷ lệ cao. Công đoạn phơi sấy, chế biến còn nhiều bất cập dẫn đến tình trạng chất lượng cà phê nhân chưa cao, chưa đáp ứng tốt yêu cầu của khách hàng trong, ngoài nước…


Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đang tuyên truyền nâng cao nhận thức nông hộ, doanh nghiệp về sản xuất cà phê bền vững gắn liền với lợi ích kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường. Mở rộng áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP) trong sản xuất, nâng tỷ lệ diện tích sản xuất cà phê có chứng nhận, có trách nhiệm chiếm trên 60% trong tổng diện tích cà phê trên địa bàn. Lồng ghép các chương trình, dự án để xây dựng hệ thống bản đồ số nhằm quản lý lý lịch vườn cây, bản đồ thổ nhưỡng gắn với vùng chỉ dẫn địa lý cà phê trên địa bàn tỉnh, đầu tư xây dựng thêm các công trình thuỷ lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước phục vụ tốt yêu cầu thâm canh cà phê trong vùng quy hoạch.


Tập trung chuyển đổi cây trồng


Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai đã chuyển hàng nghìn hécta cà phê nằm ngoài quy hoạch kém hiệu quả kinh tế sang trồng các loại cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.


Đồi chè rộng hàng trăm hécta tại Khu hành chính Sùng Đức, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Ảnh: Hưng Thịnh - TTXVN.


Từ năm 2012 trở lại đây, các tỉnh Tây Nguyên chủ trương không mở rộng diện tích mà khuyến khích, vận động đồng bào các dân tộc giảm dần diện tích cà phê theo đúng quy hoạch để góp phần phát triển ngành cà phê bền vững. Trước mắt, các tỉnh Tây Nguyên vận động đồng bào chuyển dần diện tích cà phê ở ngoài vùng quy hoạch sang trồng cây ăn quả lâu năm, điều, hồ tiêu… mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Gia đình anh Nguyễn Văn Long, ở xã Thuận Hạnh, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông chia sẻ: Trước đây thấy đồng bào trong xã đua nhau trồng cà phê sau vài năm thu hàng trăm triệu đồng, gia đình cũng háo hức vay mượn vốn bạn bè, người thân, vốn dành dụm đầu tư chuyển 2,5 ha đất rẫy trồng sắn sang trồng cà phê.


Đây là vùng đất nằm ngoài vùng quy hoạch phát triển cà phê của xã. Tuy nhiên, do khu rẫy không chủ động được nguồn nước, chưa nắm rõ được quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc… nên diện tích cà phê kém phát triển, đến mùa khô cây khô cành chết dần. Sau khi tham quan học tập kinh nghiệm sản xuất kinh doanh giỏi của một số gia đình trên địa bàn tỉnh, anh Long đã mạnh dạn phá bỏ vườn cà phê chuyển sang trồng bơ Booth và sầu riêng cơm vàng hạt lép. Nhờ trồng, chăm sóc tốt đúng quy trình kỹ thuật nên mỗi năm gia đình anh Long sau khi trừ các khoản chi phí còn thu lãi trên 100 triệu đồng. 


Còn anh Vũ Văn Vĩnh, ở xã Cư Elang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk cũng đã chuyển 5 ha cà phê còi cọc nằm ngoài vùng quy hoạch sang trồng cây ăn quả như quýt, cam, bưởi da xanh. Sau 5 năm, vườn cây ăn quả đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, bình quân mỗi cây cho thu hoạch từ 15 đến 17 kg quả. Năm 2015, anh Vĩnh bán ra thị trường trên 50 tấn quýt, 60 tấn cam, 5 tấn bưởi. Sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi trên 2 tỷ đồng. 


Đối với gia đình chị Phạm Thị Mười, thôn 10 xã Ea Pil, huyện M’Đắk, tỉnh Đắk Lắk trước đây thiếu trước hụt sau do chạy theo cây cà phê trồng ngoài vùng quy hoạch. Sau khi chị mạnh dạn chuyển đổi 3 ha cà phê sang trồng cây nhãn giống Hương Chi đời sống gia đình ngày càng khởi sắc. Mỗi vụ gia đình chị trừ chi phí còn thu lãi trên 500 triệu đồng. Chị Mười cho biết, trồng nhãn thu lãi cao mà công đầu tư ít, không như cây cà phê suốt ngày bận rộn vốn đầu tư lớn nhưng lãi suất không cao, thậm chí giá bấp bênh dễ trắng tay, nhất là các vùng cà phê không thích hợp đất, không chủ động được nguồn nước...


Liên kết sản xuất cây công nghiệp


Để kinh tế vùng Tây Nguyên phát triển, đã có nhiều nghiên cứu, chủ trương, chính sách, quy hoạch và giải pháp theo vùng. Các quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội vùng, quy hoạch ngành xây dựng, giao thông, điện, đất đai, nông nghiệp,… được xây dựng, nhằm phát triển kinh tế - xã hội với yêu cầu phối hợp.


Việc liên kết vùng giữa các tỉnh Tây Nguyên để phát triển kinh tế và đảm bảo an ninh quốc phòng là nhu cầu cần thiết, nhằm tạo sự đồng bộ, thuận lợi trong giao thương, kịp thời bảo vệ và cùng nhau phát triển kinh tế cho mỗi tỉnh. Đặc biệt, tỷ trọng nền kinh tế của vùng Tây Nguyên chủ yếu từ ngành nông nghiệp nên việc xây dựng một nền kinh tế nông nghiệp bền vững, các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đảm bảo an toàn thực phẩm, đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, quốc tế, đủ sức cạnh tranh hội nhập kinh tế quốc tế là yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển kinh tế vùng, đảm bảo an ninh quốc phòng.


Nhưng khi đánh giá thực trạng xây dựng năng lực cạnh tranh của Tây Nguyên trong liên kết vùng để sản xuất cây công nghiệp dài ngày, có thể thấy các tỉnh trong vùng vẫn còn khó khăn. Đó là nhu cầu thị trường trong vùng, trong nước đối với các sản phẩm cây công nghiệp lâu năm ở Tây Nguyên không ổn định do thiếu sự gắn kết chặt chẽ giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến. Giá các mặt hàng nông sản không ổn định, thông tin thị trường chưa được chuẩn xác gây nhiều dao động trong bà con.


Các ngành công nghiệp phụ trợ (công nghiệp chế biến nông sản) không gắn với vùng nguyên liệu. Sản phẩm chính của ngành công nghiệp chế biến nông sản của Tây Nguyên là tinh bột sắn, rượu bia các loại, nước giải khát, đường mía... trong khi các sản phẩm chủ lực lại chưa có nhà máy chế biến hoặc nhà máy chưa đáp ứng công suất vùng nguyên liệu. Chính vì vậy, hiện nay hầu hết các sản phẩm chủ lực này đều xuất khẩu thô, giá trị thấp.


Vấn đề liên kết sản xuất cây công nghiệp vùng Tây Nguyên phải đặt trong một không gian sản xuất thống nhất của cả vùng về quy hoạch vùng sản xuất, chế biến, hạ tầng, xây dựng thương hiệu, chính sách hỗ trợ. Các tỉnh có sự hợp tác, phân công trong sản xuất các sản phẩm theo lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá trên phạm vi vùng. 


Phát triển cà phê, hồ tiêu, cao su Tây Nguyên trở thành các ngành hàng xuất khẩu, tập trung quy mô lớn, hiện đại, có tính cạnh tranh quốc tế cao. Phát triển ngành hàng theo liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm với quản trị hiện đại, hệ thống hạ tầng đồng bộ, sản phẩm có thương hiệu, chứng nhận chất lượng và an toàn thực phẩm. Lấy khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, liên kết doanh nghiệp và hợp tác xã, tổ hợp tác, xây dựng thương hiệu sản phẩm là động lực để nâng cao giá trị và phát triển bền vững các ngành hàng nông sản Tây Nguyên.


Nâng cao năng lực cho người sản xuất, tác nhân ngành hàng. Đào tạo nông dân một cách chuyên nghiệp, có trình độ kỹ năng về kỹ thuật sản xuất, kiến thức thị trường, tổ chức và quản trị sản xuất, cơ sở sản xuất. Đổi mới phương pháp dạy nghề. Tổ chức sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị, thu hút doanh nghiệp. Hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất tiêu thụ theo cánh đồng lớn giữa doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu với các hợp tác xã, tổ hợp tác.


Doanh nghiệp tham gia liên kết với nông dân theo cánh đồng lớn được hỗ trợ tiếp cận tín dụng, hỗ trợ xây dựng công trình hạ tầng, hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu và các chính sách khác theo quy định. Thu hút doanh nghiệp đầu tư: Áp dụng chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư theo hình thức PPP. Đặc biệt ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào bảo quản, chế biến nông sản, các doanh nghiệp hợp tác, liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng lớn. Bảo vệ doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu.

Viết Tôn - Quang Huy
Đổi mới công tác đào tạo nghề ở Tây Nguyên
Đổi mới công tác đào tạo nghề ở Tây Nguyên

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, giai đoạn 2016 - 2020 các tỉnh vùng Tây Nguyên tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN