Sau một năm trồng thử nghiệm cây cải dầu trên những vùng đất khô hạn đạt kết quả tốt, vụ đông xuân năm nay, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã mạnh dạn để tạo nên bước đột phá bằng việc vận động người dân trồng hơn 500 ha cây cải dầu. Cùng với cây lúa, cải dầu sẽ phủ vàng các triền ruộng bậc thang nơi đây, sẽ hứa hẹn thu hút nhiều khách du lịch đến với mảnh đất này, không chỉ riêng vào mùa lúa chín.
Ông Lương Văn Thư, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải cho biết, đặc thù kinh tế huyện Mù Cang Chải nông nghiệp vẫn là chính. Tuy nhiên, với lợi thế cả về tự nhiên và văn hóa, Mù Cang Chải cũng có nhiều tiềm năng du lịch. Chủ trương của huyện là sẽ kết hợp phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Hàng năm, lễ hội ruộng bậc thang Mù Cang Chải được tổ chức vào mùa lúa chín, trung tuần tháng 9. Đây là thời điểm Mù Cang Chải có lượng du khách đông nhất.
Với ý tưởng đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, bên cạnh việc vận động bà con gieo trồng đúng thời vụ, bảo đảm kỹ thuật để lúa chín vàng đều đúng thời điểm lễ hội, năm nay, sau khi trồng thử nghiệm thành công, huyện Mù Cang Chải đã vận động bà con trồng cải dầu vào tháng 12.
Dự kiến từ tháng 2 - 3/2017, hoa cải dầu sẽ phủ vàng khắp các ruộng bậc thang trước kia vốn là những diện tích khô cằn, bỏ không trong vụ đông xuân. Hoa cải dầu sẽ tạo thêm điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến với mảnh đất này.
Ông Thư cũng cho biết thêm, năm 2016, huyện Mù Cang Chải đưa vào trồng thử nghiệm hơn 2 ha cải dầu, kết quả rất khả quan, năng suất đạt 2 tấn/ha. Năm nay, 12 xã trên địa bàn huyện triển khai trồng loại cây mới này.
Bên cạnh việc hứa hẹn sẽ tạo nên một sản phẩm du lịch mới với những ruộng bậc thang cải dầu tươi sắc vàng, loại cây trồng này cũng trực tiếp mang lại giá trị kinh tế cho đồng bào. Để đảm bảo đầu ra cho bà con, huyện đã kêu gọi doanh nghiệp vào cuộc. Doanh nghiệp đã ký hợp đồng với đại diện các hộ trồng cải là UBND các xã, đầu tư hạt giống, cung ứng phân bón và sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm. Vì thế, tất cả bà con đều yên tâm sản xuất.
Nhà anh Hảng A Lồng, bản Trống Tông, xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) năm nay mạnh dạn trồng hơn 1.000 m2 cây cải dầu. Ngoài ra, anh còn tham gia cùng bà con trong xã trồng cải dầu ở diện tích đất chung của xã hơn 2,5 ha.
Anh Lồng cho biết, đây đều là những diện tích đất khô cằn, không có nước để làm lúa vụ đông xuân nên chuyển sang trồng cải. Nếu thời tiết thuận lợi, vụ giáp hạt năm nay sẽ có thêm một khoản thu nhập đáng kể.
Ông Hảng Xáy Chông, Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải vui mừng chia sẻ, xã La Pán Tẩn hiện nay có diện tích cải dầu lớn nhất huyện. Xã cũng là một trong những nơi có những khu ruộng bậc thang đẹp nhất.
Vụ đông xuân năm nay, cả xã đã đưa vào trồng gần 100 ha cải dầu, hứa hẹn sẽ mang lại thu nhập cho bà con cả từ việc thu bán hạt cải cũng như từ các dịch vụ khi thu hút khách du lịch đến tham quan. Cây cải dầu sẽ mang lại lợi ích kép cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông ở huyện vùng cao nhiều khó khăn Mù Cang Chải khi đồng bào vừa có thể thu hoạch hạt cải, vừa có thêm thu nhập từ các dịch vụ du lịch.
Thời điểm mùa hoa cải vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 sẽ thu hút hàng ngàn khách du lịch đến với vùng đất này để ngắm hoa. Những ruộng bậc thang hoa cải sẽ tạo thêm một mùa du lịch nữa bên cạnh mùa lúa chín ở huyện miền núi này.
Hạt cải dầu thu được từ vụ đông xuân 2015 - 2016 được doanh nghiệp thu mua đánh giá có chất lượng cao, dầu tốt. Chính vì thế, vụ đông xuân năm nay, diện tích trồng cải dầu đã được mở rộng hàng trăm lần. Doanh nghiệp thu mua hạt cải cũng đã quyết định đặt nhà máy ép dầu tại Mù Cang Chải.
Trong tương lai, diện tích trồng cải dầu sẽ còn có thể phát triển hàng ngàn ha, không chỉ đối với Mù Cang Chải mà còn cả đối với các địa phương chỉ cấy được một vụ lúa. Đây sẽ là hướng đi mới, hướng kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với việc tạo ra một sản phẩm dịch vụ để thu hút du khách, phát triển du lịch nhằm từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống cho đồng bào vùng cao còn nhiều khó khăn.