Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp tỉnh triển khai nhiều biện pháp nhằm ứng phó với tình hình hạn hán có thể xảy ra. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trực thuộc và các địa phương chủ động nguồn tưới, điều tiết nước đảm bảo phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.
Đăk Hà là địa phương có diện tích cà phê lớn nhất của tỉnh Kon Tum với trên 12.000 ha. Cùng với gần 2.000 ha gieo trồng hàng năm của vụ Đông – Xuân 2020 – 2021, nông dân đang rất cần sự ổn định về nguồn nước tưới, nhất là vào thời gian cao điểm mùa khô như hiện nay. Trên địa bàn huyện hiện có 32 công trình thủy lợi lớn nhỏ phục vụ nước tưới. Bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô, ngành nông nghiệp và người dân đã chủ động khơi thông dòng chảy, nạo vét kênh mương. Đến thời điểm này, người dân vẫn đủ lượng nước tưới tiêu.
Ông Nguyễn Xuân Oanh, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà cho biết, gia đình có gần 1 ha đất canh tác tại cánh đồng Đăk Đen trồng các loại cây như lúa, dưa chuột, cà chua. Nhiều năm nay, nhờ hệ thống kênh mương nội đồng dẫn nước từ đập Mùa Xuân (Hồ thủy lợi Đăk Uy) về nên không phải lo về nguồn nước tưới, ngay cả trong cao điểm mùa khô. Nhờ đó, năng suất cây trồng được đảm bảo, giúp gia đình nâng cao thu nhập, từ 70 – 100 triệu đồng/năm.
Theo ông Ngô Hồng Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà, ngay từ đầu năm, huyện đã xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn; trong đó, hướng dẫn chuyển đổi cây trồng đối với các diện tích thiếu nước, không sử dụng cây lúa; đồng thời, làm việc với các trạm thủy nông, xây dựng lịch tưới nước cho các xã, thị trấn và thông báo cụ thể cho người dân.
Nhờ đó, diện tích tưới cơ bản đảm bảo, chưa xảy ra khô hạn. Tuy nhiên, qua rà soát cũng xác định có từ 10 – 15 ha lúa nước có nguy cơ xảy ra hạn hán. Đây là khu vực người dân tận dụng các khe suối nhỏ để tưới nước, không có công trình thủy lợi. Cùng đó, người dân cũng nạo vét kênh mương và tưới tiết kiệm để đảm bảo đủ nước đến khi thu hoạch.
Ban Quản lý – Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum được phân cấp quản lý, vận hành, khai thác 178 công trình thủy lợi gồm 73 hồ chứa, 98 đập dâng và 7 trạm bơm điện trên địa bàn toàn tỉnh. Tổng diện tích tưới mà đơn vị này cung cấp trong vụ Đông – Xuân 2020 – 2021 là gần 11.000 ha, chủ yếu là lúa và cây công nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Dẫn, Phó Giám đốc Ban Quản lý – Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum cho biết, nhờ chủ động phòng chống hạn hán nên đến đầu tháng 3/2021, các công trình thủy lợi do đơn vị quản lý, vận hành vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất vụ Đông – Xuân năm nay. Tuy nhiên, một số đập dâng có nguồn nước đến hạn chế nên để đảm bảo nước tưới phục vụ đến hết vụ sản xuất, Ban đã chỉ đạo cho các Trạm quản lý thủy nông điều tiết tưới luân phiên, tưới tiết kiệm.
Ngay từ cuối mùa mưa năm 2020, Ban đã rà soát tất cả các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh và đề ra biện pháp gia tăng khả năng tích trữ nước như: dùng bao tải đất, phao gỗ nâng cao ngưỡng tràn xả lũ trong phạm vi cho phép… để tăng dung tích trữ của hồ, phục vụ chống hạn vào cuối vụ khi thời tiết nắng nóng kéo dài. Nhờ đó, đã có 15 công trình thủy lợi được nâng dung tích trữ thêm gần 1,5 triệu m3 nước - ông Nguyễn Văn Dẫn chia sẻ.
Đặc biệt, tại khu vực cánh đồng Đăk Sia II, huyện Sa Thầy, có khoảng 25 ha trong tổng số hơn 100 ha lúa, rau màu của nông dân thường xuyên bị thiếu nước vào mùa khô do ở cuối nguồn. Trước thực trạng đó, ngay sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, Ban Quản lý – Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Kon Tum đã phối hợp cùng UBND huyện Sa Thầy lắp đặt trạm biến áp với công suất 75kVA tại khu vực cuối nguồn; đồng thời, hoàn tất lắp đặt máy bơm dã chiến tại cầu Hòa Bình vào đầu tháng 3/2021, phục vụ bơm chống hạn cho 25 ha lúa thuộc tuyến kênh N1, N2 của công trình Đập Đăk Sia II.
Ông Nguyễn Tấn Phương, thôn Hòa Bình, xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy cho biết, ông có khoảng 2 sào đất canh tác lúa và rau màu tại cánh đồng Đăk Sia II. Những năm trước, do ở cuối hệ thống thủy lợi nên diện tích đất canh tác của gia đình ông thường xuyên bị thiếu nước, thiệt hại cho cây trồng. Tuy nhiên, trong vụ Đông – Xuân năm nay, nhờ có máy bơm dã chiến, ruộng của ông và nhiều hộ gia đình lân cận đã không lo thiếu nước nhất là thời điểm này bởi lúa Đông – Xuân đang làm đòng.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum Văn Tất Cường cho biết, ngay từ đầu vụ Đông – Xuân 2020 – 2021, ngành nông nghiệp đã tham mưu cho tỉnh ban hành kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống hạn trên địa bàn; trong đó, đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống hạn đối với các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt do cấp tỉnh và huyện quản lý. Đặc biệt, chú trọng đến các khu vực có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước, mực nước các hồ chứa thủy lợi; đôn đốc các địa phương, đơn vị quản lý khai thác công trình thực hiện nghiêm kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ Đông – Xuân 2020 – 2021 và phòng, chống hạn trên địa bàn, cụ thể, chi tiết theo từng địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.
Theo số liệu báo cáo, mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 65% dung tích trữ trở lên, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất cho giai đoạn còn lại của vụ Đông – Xuân 2020 – 2021. Tuy nhiên, trong thời gian đến, thời tiết nắng nóng kéo dài, hạn hán xảy ra cục bộ tại một số khu vực thuộc thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Kon Rẫy… có khả năng gây khô hạn, thiếu nước cho khoảng trên 1.000 ha cây trồng.