Tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn hán ở khu vực Trung bộ, Tây Nguyên

Ngày 1/4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực Trung bộ, Tây Nguyên tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh từ nay đến hết mùa khô 2019-2020.

Chú thích ảnh
Người dân xã Phú Phong, huyện Châu Thành lấy nước ngọt từ điểm cấp nước miễn phí của UBND tỉnh Tiền Giang về tưới cho vườn sầu riêng. Ảnh: Nam Thái/TTXVN

Theo đó, để giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân trong thời gian còn lại của mùa khô, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố khu vực Trung bộ và Tây Nguyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo dõi, cập nhật sát thông tin dự báo khí tượng, thủy văn do các cơ quan chuyên ngành cung cấp; thông tin dự báo nguồn nước và khuyến cáo xây dựng kế hoạch sử dụng nước do các cơ quan khoa học thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp; các chỉ đạo, hướng dẫn từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan để chủ động thực hiện các giải pháp ứng phó với hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

Các cơ quan chuyên môn xây dựng phương án, kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh theo hướng chủ động, linh hoạt bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, ở những vùng đủ nước cần xem xét đẩy sớm lịch sản xuất để tận dụng nguồn nước, vùng không đảm bảo nguồn nước cần xem xét giảm diện tích, giãn thời điểm xuống giống để chờ mưa hoặc chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Các địa phương xác định từng vùng, số hộ khả năng thiếu nước sinh hoạt, xây dựng phương án cân đối cung cấp nước sinh hoạt cho từng cụm dân, xã, huyện... bảo đảm không để người dân thiếu nước sinh hoạt.

Các đơn vị thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, tổ chức vận hành, giám sát việc vận hành việc điều tiết nước của các công trình thủy lợi, hồ chứa thủy điện để đảm bảo chủ động nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất.

Cơ quan chuyên môn tiếp tục xây dựng lịch điều tiết các hồ chứa thủy điện để phục vụ thủy lợi khi xảy ra hạn hán, thiếu nước, bảo đảm ưu tiên nguồn nước ưu tiên phục vụ sản xuất nông nghiệp theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Các địa phương tăng cường áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm cho lúa, cây trồng cạn (ướt - khô xen kẽ, nông-lộ-phơi cho lúa; tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt…cho cây trồng cạn); phân phối nguồn nước trong công trình thủy lợi hợp lý, khi xảy ra thiếu nước, phải ưu tiên cung cấp cho sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,..

Địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi như nạo vét cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đào ao, giếng, đắp đập tạm ngăn mặn, lắp đặt trạm bơm dã chiến giúp khơi thông dòng chảy, tận dụng khai thác tối đa nguồn nước.

Đối với vùng khả năng bị thiếu nước cần tăng cường tích trữ nước để dành cho sinh hoạt, chăn nuôi, tưới cho cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao. Địa phương chủ động sử dụng nguồn kinh phí do địa phương quản lý để tăng cường các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn

Hiện nay, dung tích trữ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang ở mức thấp, một số nơi tương đương các năm hạn hán nặng 2015, 2016, nên nguồn nước không bảo đảm cung cấp cho sản xuất nông nghiệp, dẫn đến phải điều chỉnh giảm diện tích sản xuất lúa Đông Xuân 2019-2020 ở các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và đang xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước cục bộ ở một số địa phương. 

Theo thông tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, trong tháng 4-5/2020 tiếp tục ít mưa và thiếu hụt so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, dòng chảy trên các sông phổ biến thiếu hụt từ 15-70%, môt số sông thiếu hụt trên 85%.

Các tháng còn lại của mùa khô lượng mưa phổ biến xấp xỉ trung bình nhiều năm. Dung tích trữ của các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vào đầu vụ Hè Thu 2020 ở khu vực Trung bộ chỉ ở mức thấp, một số tỉnh ở mức rất thấp, như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa… 

Với tình trạng nguồn nước như trên, nguy cơ xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên diện rộng, ở mức hạn vừa đến hạn nặng, thậm chí hạn hán cực đoan nếu xảy ra tình trạng nắng nóng kéo dài.

Bích Hồng (TTXVN)
Bến Tre: Hỗ trợ người lao động chống dịch COVID-19 và ứng phó hạn mặn
Bến Tre: Hỗ trợ người lao động chống dịch COVID-19 và ứng phó hạn mặn

Sáng 31/3, Liên đoàn Lao động tỉnh Bến Tre tiếp tục hỗ trợ 500 bình nước lọc loại 20 lít cho công nhân lao động tại các khu nhà trọ có đông công nhân trên địa bàn huyện Châu Thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN