Đây là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều tại Hội nghị triển khai kịch bản phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và tổng kết, đánh giá mô hình sản xuất lúa ST24, ST 25 trong vùng sản xuất lúa trên đất tôm phía Bắc Quốc lộ 1A, do UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức tại huyện Phước Long, ngày 10/1.
Về sản xuất giống lúa ST24, ST25, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng nhấn mạnh, để giống lúa này phát triển bền vững, người nông dân yên tâm sản xuất thì phải quan tâm đến câu chuyện bao tiêu sản phẩm.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho rằng, sắp tới đây khi ứng dụng mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất thì nông nghiệp mà cụ thể là sản xuất lúa sẽ phát triển mạnh mẽ. Cùng với phát triển cây lúa, con tôm thì cũng phải khuyến khích người dân trồng thêm hoa màu trên bờ vuông để gia tăng thu nhập; đồng thời yêu cầu ngành nông nghiệp đề xuất tham mưu UBND tỉnh quy hoạch vùng sản xuất giống lúa chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân trong tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thiều cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết nối với tác giả giống lúa để nghe thêm về việc triển khai trong thời gian tới; đồng thời tỉnh sẽ mở rộng sản xuất giống lúa này, bởi đây là giống lúa hứa hẹn mang lại lợi nhuận cao, làm thay đổi đời sống người dân vùng sản xuất lúa - tôm.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 - 2021 ở khu vực Nam Bộ đến sớm, cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng sẽ ít gay gắt hơn mùa khô năm 2019 - 2020. Dự báo ở vụ lúa Đông Xuân, khoảng 3.400 ha/hơn 47.000 ha có nguy cơ thiếu nước. Các khu vực thiếu nước dự kiến tập trung ở khu vực phía Tây trục kênh Vĩnh Phong; thời gian thiếu nước bắt đầu tư tháng 3; trong đó, thị xã Giá Rai khoảng 1.000 ha, huyện Hòa Bình khoảng 300 ha, huyện Vĩnh Lợi 900 ha và huyện Phước Long 1.200 ha.
Nếu mặn xâm nhập sớm, việc nuôi trồng thủy sản vùng Nam Quốc lộ 1A sẽ tiếp tục gặp khó khăn do độ mặn tăng cao, nguy cơ khoảng 4.000 ha tôm nuôi bị thiệt hại. Ngoài sản xuất, việc cấp nước sinh hoạt của nhân dân vùng Nam Quốc lộ 1A cũng có thể gặp khó khăn, nhất là khu vực ven biển.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lưu Hoàng Ly cho biết, để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn và các tác động của biến đổi khí hậu gây ra trong mùa khô năm 2020 - 2021 có thể ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống dân sinh, Sở đã phối hợp cùng các ngành và địa phương tiến hành xây dựng Kịch bản phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021 (với 3 kịch bản: ít gay gắt, gay gắt tương đương và gay gắt hơn mùa khô năm 2019 - 2020).
Sở cũng sẽ huy động nguồn nhân lực toàn ngành bám sát đồng ruộng, xử lý các tác động bất lợi do hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Cùng với đó, Sở tập trung phát động phong trào làm thủy lợi, thủy nông nội đồng trong mùa khô năm 2020-2021 trên địa bàn toàn tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ nạo vét cải tạo các tuyến kênh tạo nguồn từ nguồn hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thuỷ lợi; kinh phí phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn năm 2020 để dẫn nước, trữ nước phục vụ sản xuất trong mùa khô năm 2020 - 2021. Tổng kinh phí dự kiến cho các kịch bản từ 3,8 tỷ đồng cho đến 21 tỷ đồng.
Ngoài ra, đối với mô hình sản xuất lúa ST24 và ST25, Trung tâm Khuyến nông cũng mời các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra để người dân an tâm sản xuất.