An Giang ứng phó nguy cơ hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô

Năm 2020 được dự báo tiếp tục là năm ít nước, dòng chảy lũ về Đồng bằng sông Cửu Long nhỏ, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào các tháng mùa khô năm 2020 - 2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng. Để chủ động ứng phó, hiện UBND tỉnh An Giang đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2020 - 2021.

Theo đánh giá của UBND tỉnh An Giang, từ đầu mùa lũ năm 2020 đến nay, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công thiếu hụt từ 30 - 40% so với trung bình nhiều năm, dòng chảy sông Mê Công đang ở mức rất thấp. Trong đó, Biển Hồ tại Campuchia, nơi cung cấp nguồn nước quan trọng bổ sung cho Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng mùa khô hiện mới trữ được gần 9 tỷ m3 nước, thấp hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ khoảng 23 tỷ m3 nước, thấp hơn năm 2015 khoảng 8 tỷ m3 và thấp hơn năm 2019 khoảng 2 tỷ m3 nước.

Ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Theo nhận định của các cơ quan nghiên cứu khoa học, cơ quan khí tượng thủy văn trong nước và thế giới, lượng mưa trên lưu vực sông Mê Công trong những tháng cuối năm 2020 có khả năng ở mức cao hơn trung bình nhiều năm. 

"Tuy nhiên, lượng nước trữ trong các hồ chứa thủy điện thượng nguồn hiện đang ở mức thấp, các hồ thủy điện sẽ tăng cường tích nước, cùng với sự gia tăng nhu cầu sử dụng nước của các nước thượng nguồn sông Mê Công nên tổng lưu lượng dòng chảy về Đồng bằng sông Cửu Long trong các tháng đầu mùa khô 2020 - 2021 có khả năng thiếu hụt từ 20 - 35% so với trung bình nhiều năm", ông Thư cho biết.

Để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh trong các tháng mùa khô năm 2020 - 2021 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh An Giang đã yêu cầu UBND các huyện, thị xã và thành phố, sở, ban, ngành theo dõi chặt chẽ diễn biến, thông tin dự báo khí tượng thủy văn, tình hình xâm nhập mặn để chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch và phương án ứng phó với hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2020 - 2021 như đã xảy ra các năm 2015 - 2016, 2019 - 2020. Trong đó, các đơn vị cần xác định từng khu vực có khả năng bị ảnh hưởng bởi khô hạn, xâm nhập mặn để chỉ đạo triển khai các giải pháp cụ thể, bảo đảm giảm thiểu ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh chủ động thực hiện sớm, ưu tiên nguồn vốn phân bổ giá sản phẩm dịch vụ công ích và hỗ trợ phát triển đất trồng lúa hằng năm để ưu tiên đầu tư các công trình nạo vét kênh mương, sửa chữa cống tạo nguồn nước và tích trữ nước phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021.

"Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương trên địa bàn chủ động rà soát, thống kê hiện trạng nguồn nước sinh hoạt cho từng hộ dân ở từng khu vực như: tuyến, cụm, điểm; khóm, ấp; xã, phường, thị trấn chưa có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung và đang sử dụng nước từ giếng, thiết bị chứa nước mưa, nước từ kênh rạch,...; đặc biệt là ở vùng cao thuộc các huyện Tri Tôn, Tinh Biên và Thoại Sơn để phối hợp với Công ty Cổ phần Điện nước An Giang, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh nhằm đưa ra giải pháp, phương án cấp nước cho phù hợp trong thời gian tới", ông Bình cho biết.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành và địa phương trên địa bàn tập trung nguồn vốn để đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, lồng ghép vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chủ động bố trí ngân sách địa phương và các nguồn xã hội hóa để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 - 2021.

Để ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô sắp đến, UBND tỉnh An Giang cũng yêu cầu các địa phương thường xuyên kiểm tra các công trình thủy lợi đảm bảo đủ điều kiện vận hành tốt; chủ động tổ chức lắp đặt và vận hành các trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm để giữ nước khi cần thiết; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn năm 2021 và khuyến cáo người dân tăng cường thăm đồng, kết hợp kiểm tra các vùng sản xuất có khả năng bị ảnh hưởng do hạn, mặn. 

Đặc biệt, tỉnh yêu cầu các huyện tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân các biện pháp trữ nước và sử dụng nước hiệu quả để đảm bảo nhu cầu về nước uống, sinh hoạt và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm trong sản xuất; khuyến cáo nhân dân sản xuất nông nghiệp tại các vùng giáp ranh với tỉnh Kiên Giang; thường xuyên kiểm tra nguồn nước, lấy nước tưới theo các đợt nước lớn từ sông Hậu chảy vào.

Hiện, UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt để xây dựng các giải pháp và phương án cảnh báo, ứng phó khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt phù hợp, nhằm hạn chế thiệt hại ở mức thấp nhất do khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn gây ra. Ngành nông nghiệp chỉ đạo các địa phương điều chỉnh lịch thời vụ và điều chỉnh cơ cấu cây trồng để tránh hạn, xâm nhập mặn ở vùng có khả năng khô hạn và xâm nhập mặn cao; hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, sử dụng hiệu quả để các địa phương, doanh nghiệp và người dân áp dụng.

Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác Thủy lợi An Giang phối hợp với UBND các huyện kiểm tra, vận hành các công trình cống, đập, kênh mương, hệ thống trạm bơm điện nhằm đảm bảo đủ nguồn nước để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp; tổ chức nạo vét kịp thời các tuyến kênh không đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất thuộc phân cấp quản lý; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi để phục vụ công tác chống hạn, xâm nhập mặn năm 2021.

Thanh Sang (TTXVN)
'Sống chung’ với hạn hán, xâm nhập mặn
'Sống chung’ với hạn hán, xâm nhập mặn

Trong những năm gần đây, hạn hán và xâm nhập mặn diễn ra ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày càng gay gắt, đòi hỏi phải có những giải pháp hiệu quả hơn nữa nhằm làm giảm thiểu tối đa thiệt hại do hạn, mặn gây ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN