Sinh và lớn lên ở xóm Nhạp, xã Đồng Chum, năm 1948, vừa tròn 16 tuổi, chàng trai dân tộc Tày Xa Văn Thế đã giác ngộ cách mạng và xung phong tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với chức trách trung đội phó dân công; sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử thắng lợi, Xa Văn Thế trở về cùng bà con bản làng xây dựng quê hương.
Cách đây hơn hai chục năm, người dân bản Nhạp còn đói nghèo, lam lũ. Vì đất đồi dốc, cả bản chỉ trồng ngô, sắn mà năng suất thấp nên cuộc sống khốn khó đủ bề. Do túng bấn nên người dân đánh liều vào rừng tàn phá những cây rừng hàng trăm tuổi để đổi lấy cái ăn, cái mặc. Đau đáu trước nỗi đau của rừng, ngày 10/10/1996, già Thế đã viết đơn gửi Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình về việc đưa 4.500ha rừng Pu Canh trở thành rừng đặc dụng khoanh nuôi bảo vệ. Với cương vị là trưởng bản, công an viên, ông cùng gia đình đã tự nhận bảo vệ 61 ha rừng nghiến ở ngay sát bản.
Già làng Xa Văn Thế. Ảnh: suckhoedoisong.vn |
Tuy đã được nhận bảo vệ, nhưng khu rừng giàu gỗ quý này vẫn thường xuyên bị lâm tặc và người dân nhòm ngó, chặt trộm. Quyết không để cánh rừng vào tay lâm tặc, ông bàn với các cụ cao tuổi đề nghị họp dân tìm cách tháo gỡ vấn nạn trên. Trong cuộc họp, ngoài việc giải thích hậu quả của phá rừng lấy gỗ, già làng Xa Văn Thế còn đề nghị lập quy ước cấm mọi hành vi lên rừng chặt gỗ, săn thú. Một bản quy ước về mô hình "Dòng họ Xa tự quản" bảo vệ rừng của dân tộc Tày được toàn thể họ tộc và cấp ủy, chính quyền tham gia góp ý xây dựng và đã trở thành luật lệ của thôn, bản được mọi người nghiêm túc thực hiện. Giờ đây hàng ngàn ha rừng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pu Canh đã được người dân tự nguyện gìn giữ như máu thịt của mình.
Đã bao đời, cuộc sống của người dân ở bản Nhạp trông lên chỉ thấy núi rừng trùng điệp. Tầm mắt chưa khi nào nhìn xa quá ngọn núi Pu Canh. Già Thế tâm tư: "Chỉ vì không có chữ nên mới phải lên rừng đào củ mài, hái măng. Không có chữ nên người dân mới nghe theo lâm tặc đi phá rừng”.
Vì thế, khi làm trưởng xóm, công an viên rồi được dân bầu làm đại biểu Hội Đồng nhân dân xã và khi trở thành Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Đồng Chum, ông Xa Văn Thế luôn quan tâm đến việc dạy chữ, rèn người.
Nhiều năm, bản Nhạp chỉ có trường tiểu học, trẻ con ở bản ngại đi học xa, ở nhà theo bố mẹ lên rừng, con chữ cũng dần rơi rụng. Ông đã chủ động bạc với xã xin Phòng Giáo dục huyện Đà Bắc mở một lớp học cấp II tại bản Nhạp. Năm học 2003 - 2004, người dân bản Nhạp vui mừng, phấn khởi khi chi trường Trung học cơ sở Đồng Chum tại xóm Nhạp chính thức được mở với 64 học sinh tựu trường. Có trường, có lớp, có thầy cô về dạy, ông không quản tuổi cao sức yếu đến từng nhà vận động các gia đình cho con em đi học.
Để làm gương cho lũ trẻ, già bản Xa Văn Thế đã xung phong xin nhận làm lớp trưởng, hàng ngày cũng 2 buổi cắp sách tới trường không kể ngày nắng hay mưa và ông đã lấy bằng tốt nghiệp Trung học cơ sở ở tuổi 75 xưa nay hiếm.
Nói về cây đại thụ của núi rừng Phu Canh, anh Nguyễn Mạnh Hòa, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đà Bắc chia sẻ: Ông Xa Văn Thế là tấm gương già làng tiêu biểu, chỗ dựa tin cậy của Đảng và chính quyền huyện, việc gì khó có ông vào cuộc cũng xuôi chèo, mát mái. Ông Xa Văn Thế vinh dự là một trong 38 đại biểu của tỉnh Hòa Bình đi dự Hội nghị Tuyên dương những người có uy tín vùng Tây Bắc vào ngày 5/12 tới.