Sinh năm 1928, trong một gia đình nông dân ở bản Đồn Mộng. Nhà nghèo, bố mất sớm, tuổi thơ của Lang Văn Viện phải trải qua muôn vàn khó khăn. Khi đi ở đợ chăn trâu, cắt cỏ cho nhà chánh tổng, Lang Văn Viện đã tự mày mò học chữ. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Lang Văn Viện được chính quyền cách mạng cử đi học chính thức tại tỉnh và trở về làm trưởng công an xã, rồi chủ tịch xã Khủn Tinh, khi mới bước sang tuổi 26.
Ông Lang Văn Viện luôn được người dân bản Đồn Mộng tin tưởng, yêu quý. |
Trong thời gian làm chủ tịch xã, ông Lang Văn Viện đã chỉ đạo và vận động nhân dân xã Khủn Tinh đóng góp, tiếp tế hơn 200 tấn thóc cho Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1968, ông Viện được bầu làm Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp. Trong nhiệm kỳ 5 năm làm Chủ tịch huyện (1968-1972), ông đã phát động phong trào trồng sắn trong toàn huyện để giải quyết khâu thiếu đói lương thực trước mắt. Sau đó tiếp tục phát động phong trào thâm canh giống mới, giống lúa trân châu lùn được nông dân gieo cấy đại trà trên các cánh đồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Năm 1970, huyện Quỳ Hợp được bầu là “quê hương năm tấn” đầu tiên của các huyện miền núi tỉnh Nghệ An…
Do tình hình sức khoẻ, đến tháng 2/1984, ông Viện về nghỉ hưu khi bước sang tuổi 56. Một năm sau, ông lại được bà con địa phương bầu làm Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Quang Tiến. Từ ngày ông Lang Văn Viện lên làm Chủ nhiệm, HTX Quang Tiến đạt năng suất lúa cao nhất huyện, có trại giống chăn nuôi với hàng trăm con lợn, có đội thợ mộc, thợ nề... Và một số hồ đập, công trình thủy lợi của HTX cũng được ra đời trong thời gian này. Nạn thiếu đói triền miên của nhiều hộ dân nghèo ở Quang Tiến đã được chấm dứt hoàn toàn.