Các tỉnh Tây Nguyên chậm rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng

Theo Chi cục Kiểm lâm vùng IV, hiện ở Tây Nguyên mới chỉ có tỉnh Đắk Nông cơ bản hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng.

Rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc tiểu khu 323, xã Ea Tam, huyện Krông Năng (Đắk Lắk) bị lấn chiếm trồng cây cà phê. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Các tỉnh khác như Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum chưa hoàn thành rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng để cấp đổi, cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rừng cho các đơn vị chủ rừng phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn.

Theo cơ cấu sau rà soát, điều chỉnh 3 loại rừng của tỉnh Đắk Nông, diện tích rừng đặc dụng, phòng hộ đều tăng, rừng sản xuất giảm xuống. Cụ thể, rừng đặc dụng của tỉnh Đắk Nông hiện có trên 41.018 ha, tăng 2.833,05 ha, rừng phòng hộ 62.141,2 ha, tăng trên 12.107 ha; trong khi đó, rừng sản xuất chỉ còn 193.279 ha, giảm trên 41.482 ha…

Trước đây, diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn các tỉnh Tây nguyên đã được quy hoạch theo 3 chức năng: phòng hộ, đặc dụng và sản xuất. Tuy nhiên, việc quy hoạch này không còn phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các tỉnh Tây Nguyên đã tiến hành rà soát rừng, đất lâm nghiệp nhằm thực hiện việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng phù hợp với quy định của Nhà nước và định hướng phát triển kinh tế, xã hội của từng địa phương trên địa bàn.

Theo đó, các tỉnh Tây Nguyên sẽ chuyển một số diện tích trong quy hoạch 3 loại rừng nhưng do cấp chồng lấn, người dân đã canh tác nông nghiệp ổn định, đất cơ sở hạ tầng, khu dân cư… giao về cho địa phương quản lý, đồng thời, đưa một số diện tích đất có rừng tự nhiên, rừng trồng trước đây nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng vào quy hoạch mới.

Thực tế, các tỉnh Tây Nguyên hiện nay có 282.896 ha đất lâm nghiệp đang bị tranh chấp giữa người dân với các đơn vị doanh nghiệp, chính quyền địa phương, chiếm 8,4% tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn vùng; trong đó, tranh chấp diện tích đất đã giao quyền sử dụng đất là 197.365 ha, chiếm 70%, tranh chấp thuộc diện tích chưa giao quyền sử dụng đất là 85.261 ha, chiếm 30%. Các tranh chấp tập trung chủ yếu: rừng do UBND xã quản lý, các Ban quản lý rừng phòng hộ, các doanh nghiệp nhà nước và các đối tượng chủ yếu khác.

Hiện Chi cục Kiểm lâm các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng đang khẩn trương tiếp tục phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng gắn với quy hoạch sử dụng đất của từng địa phương đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2016- 2020 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn.

Quang Huy (TTXVN)
Tây Nguyên chủ yếu chế biến cà phê nhân theo công nghệ chế biến khô
Tây Nguyên chủ yếu chế biến cà phê nhân theo công nghệ chế biến khô

Theo Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên, hiện nay tại các tỉnh Tây Nguyên, phần lớn các nông hộ, doanh nghiệp sản xuất cà phê đều sử dụng công nghệ chế biến khô để chế biến cà phê nhân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN