Tỉnh Cà Mau đã ghi nhận vào thời điểm cuối năm 2021 đợt triều cường dâng cao lịch sử. Thêm nữa, tình hình sạt lở đất, sạt lở bờ biển trên địa bàn diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng nghiêm trọng sản xuất, đời sống của người dân và đe dọa trực tiếp rừng phòng hộ xung yếu.
Trước thực trạng trên, các ngành, cấp ở Cà Mau luôn nỗ lực, chủ động chuẩn bị ứng phó nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, giúp nhân dân yên tâm sản xuất. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn tỉnh xây dựng đầy đủ, hoàn thiện các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai theo quy định, trong đó xây dựng Kế hoạch phòng, chống thiên tai của tỉnh năm 2022 và giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, 5 phương án ứng phó với các loại hình thiên tai theo cấp độ rủi ro thường xảy ra trên địa bàn cũng được tỉnh Cà Mau chủ động cập nhật kịp thời, gồm: ứng phó bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển; ứng phó với bão mạnh, siêu bão; ứng phó mưa lớn, lốc, sét, ngập lụt, nước dâng; ứng phó với sạt lở, sụt lún đất; ứng phó hạn hán, xâm nhập mặn vùng ngọt.
Các phương án trên được xây dựng phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đơn vị theo phương châm “4 tại chỗ” và “3 sẵn sàng’’. Trong đó, tỉnh chú trọng củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm, cứu nạn cấp tỉnh, huyện, xã. Các sở, ban ngành cấp tỉnh, các cơ quan đoàn thể cấp huyện, cấp xã thường xuyên phối hợp kiểm tra việc triển khai kế hoạch phòng, chống thiên tai tại địa phương và sẵn sàng, nhanh chóng huy động mọi nguồn lực để ứng cứu trong tình huống khi có thiên tai xảy ra.
Tỉnh Cà Mau có chiều dài bờ biển khoảng 254 km, kéo dài từ biển Đông sang biển Tây. Với 3 mặt giáp biển và có nhiều cửa sông lớn thông ra biển, địa phương thường phải gánh chịu những tác động xấu, thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra, nhất là khi xuất hiện áp thấp nhiệt đới, bão, thủy triều dâng cao. Cùng với đó, những năm gần đây, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã khiến tình hình sạt lở ở bờ biển Cà Mau diễn biến hết sức phức tạp, khó lường.
Chỉ tính riêng từ đầu năm 2022 đến ngày 10/6, vùng biển Cà Mau đã xảy ra hơn 40 cơn gió có cường độ mạnh, có 44 ngày xuất hiện mưa trái mùa, 30 ngày dông lốc, 4 đợt triều cường dâng cao. Thiên tai làm một tàu cá bị chìm; 34 vị trí ven sông bị sạt lở với tổng chiều dài 680m, trong đó có 238m lộ bê tông; phá vỡ 11m bờ bao vuông tôm; gây ngập tràn 0,56 ha diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, thiệt hại 168 ha muối. Thiên tai còn gây thiệt hại gần 100 căn nhà.
Theo công bố của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai, kết quả đánh giá công tác phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo bộ chỉ số của 63 tỉnh, thành phố, Cà Mau được đánh giá là một trong 10 tỉnh của cả nước có kết quả tốt nhất trong năm 2021.