Những ngày qua, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã tập trung thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự trên các tuyến biên giới, ngăn chặn hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép và phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường công tác tuyên truyền bầu cử đến nhân dân ở khu vực biên giới thực hiện quyền và nghĩa vụ của cử tri, góp phần vào thành công của cuộc bầu cử sắp tới.
Đồng hành cùng đồng bào biên giới
Theo chân Thiếu úy Quàng Anh Quân, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thanh Luông (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) về vùng biên giới Hua Pe để tuyên truyền cho nhân dân về ngày bầu cử, phòng, chống dịch COVID-19, phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép. Bản Hua Pe có 29 hộ dân tộc Khơ-mú, 1 hộ dân tộc Thái với dân số cả bản là 130 người. Do biết tin từ trước có cán bộ biên phòng xuống tuyên truyền nên từ sáng sớm người dân trong bản đã gác lại việc gia đình, nương rẫy để có mặt đông đủ tại nhà chị Lường Thị In, Phó Bí thư Chi bộ bản Hua Pe (xã Thanh Luông) để nghe cán bộ, chiến sĩ biên phòng tuyên truyền.
Tại buổi nói chuyện, cán bộ, chiến sỹ Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thanh Luông đã tập trung tuyên truyền cho dân bản hiểu được mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của Ngày bầu cử, thời gian diễn ra cuộc bầu cử; vị trí, vai trò, tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Lồng ghép nội dung tuyên truyền về bầu cử, cán bộ chiến sĩ biên phòng còn tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch trong cộng đồng khi đi bỏ phiếu và phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Cũng trong buổi nói chuyện, Bộ đội Biên phòng Đồn biên phòng Thanh Luông còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể ở thôn, bản, già làng, người có uy tín, trưởng nhóm đạo tại địa bàn để nắm tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc. Từ đó kịp thời phát hiện, xử lý có hiệu quả và giải quyết dứt điểm các tình huống, không để vụ việc kéo dài, tạo thành "điểm nóng" về an ninh trật tự, ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.
Thiếu úy Quàng Anh Quân, Đội trưởng Đội vận động quần chúng Đồn Biên phòng Thanh Luông cho biết: Đặc thù địa bàn biên giới, bản làng xa cách nhau, nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác tuyên truyền cũng gặp khó khăn. Để tổ chức được một buổi tuyên truyền, công tác chuẩn bị mất khá nhiều thời gian. Đặc biệt, ở những địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, phải sử dụng tiếng dân tộc để tuyên truyền cho người dân dễ nghe, dễ hiểu. Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, các nội dung tuyên truyền cũng phải soạn thảo ngắn ngọn, dễ hiểu và in ra nhiều ngôn ngữ phát cho người dân.
Rời bản Hua Pe (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên), chúng tôi về địa bàn biên giới xã Mường Pồn (huyện Điện Biên). Ngược đường vành đai biên giới hướng ra mốc 89, khu vực biên giới Việt Nam – Lào để theo chân các cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Mường Pồn đi tuyên truyền cho nhân dân bản Pá Chả. Để tuyên truyền đến nhân dân trong bản hiểu được ý nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ của cử tri trong Ngày bầu cử, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn đã tuyên truyền, phổ biến cụ thể, giải thích cặn kẽ những nội dung liên quan và phát tài liệu tuyên truyền bầu cử đến từng người dân.
Bản Pá Chả chủ yếu là người dân tộc Mông sinh sống, các hộ dân sống thành từng cụm, cách xa nhau, trong bản có nhiều người chưa thông thạo tiếng phổ thông. Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Pồn đã cử những cán bộ, chiến sĩ có khả năng nói tiếng địa phương hoặc chiến sĩ người dân tộc thiểu số để tuyên truyền, trao đổi cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ.
Đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã tổ chức tuyên truyền được hơn 150 buổi với gần 4.600 lượt người nghe kết hợp đến từng bản, từng nhà tuyên truyền ý nghĩa, tầm quan trọng của cuộc bầu cử, vận động người dân đi bầu cử đúng quy định. Những cách làm hay, phù hợp với thực tế địa bàn, vùng đồng bào dân tộc trong công tác tuyên truyền đã giúp người dân trong các thôn, bản vùng biên hiểu rõ về quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong việc tham gia xây dựng chính quyền các cấp, lựa chọn người xứng đáng đại diện cho nhân dân để bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.
Trung tá Trần Anh Tuấn, Chính trị viên Đồn Biên phòng Mường Pồn cho biết: Quá trình tổ chức bầu cử trên địa bàn 2 xã Mường Pồn và Hua Thanh (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên), đơn vị đã phối hợp, tham mưu cho Ban bầu cử 2 xã Hua Thanh, Mường Pồn thành lập 15 tổ bầu cử trên địa bàn và có cử cán bộ của đơn vị tham gia tập huấn, bầu cử tại các tổ còn yếu trong công tác tổ chức, điều hành để quá trình bầu cử diễn ra nhanh gọn, đúng quy trình, quy định. Bên cạnh đó, đơn vị phối hợp với Ủy ban nhân dân 2 xã chỉ đạo lực lượng công an xã xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn cho Ngày bầu cử. Đến thời điểm này, cơ bản quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm, nhận thức và hiểu rõ ý nghĩa tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.
Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương các xã biên giới tập trung tuyên truyền bầu cử đến nhân dân khu vực biên giới, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên còn quán triệt các đơn vị triển khai nghiêm túc phong trào "toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và xuất nhập cảnh trái phép" ở khu vực biên giới. Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên còn yêu cầu các đơn vị tổ chức cho người dân ký cam kết về "chấp hành và vận động gia đình, người thân thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ công dân trong tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026".
Đồng bào vùng biên háo hức trước Ngày hội lớn
Những ngày này, có dịp về các bản làng vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của các huyện Điện Biên, Nậm Pồ, huyện cực Tây Mường Nhé... chúng tôi đã cảm nhận được không khí bản làng và sự hối hả, gấp rút chuẩn bị những công việc cuối cùng của người dân để chào đón Ngày bầu cử. Tuy thuộc địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng còn khó khăn, nhưng nhờ công tác chuẩn bị chu đáo, quá trình triển khai khẩn trương, đúng quy định, mọi việc cho Ngày bầu cử tại các xã biên giới đã hoàn tất. Những con đường liên bản tại các xã vùng biên giới đã được dọn dẹp, phát quang sạch sẽ; cổng bản, đường liên bản được treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về Ngày bầu cử.
Hướng về Ngày bầu cử, trên các nếp nhà truyền thống của người Mông, Khơ-mú, Lào, Hà Nhì… người dân đều treo cờ Tổ quốc từ nhiều ngày qua. Các địa bàn đã có kế hoạch, phương án bảo vệ an toàn tại các điểm tổ chức bỏ phiếu. Người dân đều gấp rút việc nhà để có nhiều thời gian đến các điểm niêm yết danh sách đại biểu ứng cử để đọc, nghiên cứu kỹ tiểu sử, trình độ, quá trình công tác, năng lực cống hiến của mỗi đại biểu ứng cử… Các cử tri vùng biên giới rất háo hức, chuẩn bị tâm thế để chờ ngày được đi bỏ phiếu, thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình.
Ông Hờ Sua Vừ, bản Pá Chả, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết, dù không phải là lần đầu tiên đi bỏ phiếu, nhưng tâm trạng rất vui, háo hức và chờ đón. Hiểu được quyền, lợi ích, trách nhiệm của cử tri nên những ngày qua, tôi đã tích cực vận động, tuyên truyền cho người thân trong gia đình, người dân trong bản đi bầu cử đầy đủ, đúng giờ.
Chị Sùng Thị Phánh, bản Pá Chả, xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, chia sẻ: Qua nghe cán bộ Biên phòng, cán bộ xã tuyên truyền về ý nghĩa của Ngày bầu cử, chúng tôi đã hiểu rõ việc được cầm lá phiếu đi bầu cử sẽ chọn lựa cho xã hội, đất nước những đại biểu xứng đáng, mang đến lợi ích cho nhân dân. Người dân trong bản đã hiểu về ý nghĩa, vai trò của ngày bầu cử thì ai cũng vui. Ngày 23/5, chúng tôi sẽ không lên nương nữa để đến điểm bầu cử sớm và bỏ phiếu đầy đủ.
Ông Hoàng Văn Vĩnh, Trưởng bản Na Phay 2, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cho biết: Nhiều ngày qua, người dân trong bản đã đọc, nghiên cứu kỹ bản danh sách ứng cử được niêm yết tại điểm bầu cử. Qua tuyên truyền nhiều lần thì người dân cũng rất hiểu và chuẩn bị sẵn sàng đến ngày bầu cử sẽ tập trung đông đủ.
Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã đến gần, tại tỉnh Điện Biên, các đơn vị trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã triển khai kế hoạch đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn nói chung, khu vực biên giới nói riêng. Đồng thời, các đơn vị tiếp tục tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, vận động nhân dân trên địa bàn tham gia bầu cử đạt tỷ lệ cao nhất, để ngày bỏ phiếu bầu cử diễn ra dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm, đặc biệt phải đảm bảo thực hiện các quy định về phòng, chống dịch COVID-19.