Trong khi mọi đơn vị sản xuất kinh doanh đều đặt mục tiêu chất lượng sản phẩm lên hàng đầu để xây dựng thương hiệu, Công ty cổ phần Bê tông Tuổi trẻ Yên Bái có địa chỉ tại tổ 9, thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái lại kinh doanh không đúng theo hợp đồng đã ký, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và thiệt hại kinh tế cho khách hàng.
Ông Hà Văn Đức trú tại tổ 2, phường Hợp Minh, thành phố Yên Bái cho hay, mới đây, gia đình ông Lê Anh Tuấn cùng ở tổ 2 đã hợp đồng với Công ty cổ phần Bê tông Tuổi trẻ Yên Bái để đổ bê tông mái nhà tầng 3 nhưng công ty này thực hiện không đúng hợp đồng. Chất lượng bê tông sau đổ đông kết kém buộc gia đình phải đập đi làm lại gây kéo dài thời gian xây dựng ngôi nhà và thiệt hại về kinh tế.
Cũng theo ông Đức, trong hợp đồng đổ bê tông giữa hai bên có ghi rõ sản phẩm, quy cách, chất lượng, cụ thể: đổ bê tông mác 250 xi măng Hải Phòng; đá kích thước 1x2cm có nguồn gốc từ mỏ đá ở xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn, Yên Bái hoặc có nguồn gốc từ tỉnh Tuyên Quang; cát để đổ bê tông được ông Tuấn yêu cầu là cát vàng khai thác trên sông Chảy tại huyện Bảo Yên, Lào Cai...
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Công ty cổ phần Bê tông Tuổi trẻ Yên Bái đã không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng dẫn tới tình trạng sau đổ 24 giờ mà khối bê tông liên kết rất kém, dùng tay vẫn ấn bê tông ra được.
Ông Tuấn đã lấy một phần bê tông vừa đổ đem hòa nước và phát hiện ra cát đổ bê tông không đúng cát vàng Bảo Yên theo hợp đồng mà là cát đen sông Hồng, khai thác tại Yên Bái. Tương tự, đá, xi măng cũng không đúng chủng loại theo yêu cầu của hợp đồng đã được ký kết.
Khi phóng viên đến gia đình ông Lê Anh Tuấn để tìm hiểu, ông Tuấn thừa nhận hợp đồng giữa gia đình ông và Công ty cổ phần Bê tông Tuổi trẻ Yên Bái đã xảy ra tình trạng trên, nhưng do công ty đã nhất trí bồi thường toàn bộ số tiền công tháo dỡ, tiền sắt thép... cho gia đình nên ông không muốn làm lớn chuyện.
Rút kinh nghiệm của gia đình mình, ông Tuấn cảnh báo: “Các gia đình khi xây nhà mà đã hợp đồng với đơn vị thi công đổ mái bằng bê tông tươi tốt nhất phải đến tận nơi để kiểm tra vật tư trước khi bên thi công đem trộn thì mới có thể theo dõi được họ có thực hiện nghiêm túc theo hợp đồng với gia đình mình hay không. Còn khi bê tông đã được đưa vào bồn thì rất khó để biết được họ đã dùng loại xi măng nào, đá nào, cát nào”.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Việt Quý, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái khẳng định: “Khác hẳn với trộn bê tông thủ công trước đây, trộn bê tông tại các trạm là một tiến bộ trong ngành xây dựng đem lại hiệu quả rõ rệt về chất lượng bê tông, bởi tỷ lệ nguyên liệu để trộn bê tông được đong, đo chuẩn xác tạo ra các mác bê tông chính xác theo yêu cầu của từng loại công trình. Điều đáng nói là trong xây dựng các công trình, dự án lớn do có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ nên chất lượng bê tông luôn đảm bảo".
Tuy nhiên, đối với các công trình nhỏ lẻ của nhân dân, việc kiểm tra giám sát hầu như không được thực hiện nghiêm ngặt các quy chuẩn về chất lượng, tỷ lệ vật liệu để trộn bê tông; thời gian quãng đường vận chuyển từ trạm trộn bê tông tới công trình... dẫn tới chất lượng bê tông kém làm ảnh hưởng tới chất lượng của công trình xây dựng..., Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái nhấn mạnh.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Yên Bái, các hộ xây nhà cần tuân thủ theo đúng các quy định của Nhà nước về xây dựng công trình từ việc xin cấp phép xây dựng; thuê tư vấn thiết kế xây dựng; tư vấn giám sát công trình xây dựng... để đảm bảo được chất lượng công trình, tránh sự cố đáng tiếc xảy ra.
Trao đổi với người được giới thiệu là phụ trách kinh doanh của Công ty cổ phần Bê tông Tuổi trẻ Yên Bái về quy trình sản xuất bê tông của công ty này, một người đàn ông tên Linh trả lời: “Mọi việc đã giải quyết xong rồi nên chẳng có gì để nói”, sau đó tắt máy.
Như vậy, vụ việc xảy ra với hợp đồng với gia đình ông Tuấn được phát hiện là do sự đông kết bê tông kém. Nếu gia đình không phát hiện ra sớm, mái bê tông có thể bị sập đổ gây hậu quả khó lường. Với kiểu kinh doanh này rất cần các cơ quan quản lý Nhà nước vào cuộc để điều tra làm rõ.