Giai đoạn 2018 - 2020, toàn tỉnh phấn đấu có 14 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao. Năm 2020, An Giang phấn đấu có thêm 7 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, bình quân các xã đạt 16,5 tiêu chí/xã; thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các xã nông thôn mới đạt 50 triệu đồng/người/năm….
Tính đến cuối tháng 9/2020, toàn tỉnh có 61/119 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, đạt tỷ lệ 51,26%. Trong 9 tháng năm 2020, An Giang có thêm 3 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao như xã Mỹ Hiệp (Chợ Mới), Phú Bình (Phú Tân) và xã Thoại Giang (Thoại Sơn), nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 10 xã. Hiện, An Giang có 3 xã đạt 19 tiêu chí như xã Vĩnh Phú và Vĩnh Trạch (Thoại Sơn), xã Đa Phước (An Phú) đang chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đề nghị công nhận đạt chuẩn theo quy định. Hiện toàn tỉnh có 7 xã đạt 15 - 18 tiêu chí.
Giai đoạn 2018 - 2020, An Giang đưa vào lộ trình, kế hoạch thực hiện 26 ấp nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững trên địa bàn 16 xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn của tỉnh. Đến cuối tháng 9/2020, An Giang có 2 ấp được công nhận đạt chuẩn “ấp nông thôn mới”; 1 ấp đạt 19/9 tiêu chí ấp nông thôn mới (đang trong quá trình xét công nhận); 7 ấp đạt 17- 18 tiêu chí ấp nông thôn mới, 8 ấp đạt 14- 15 tiêu chí ấp nông thôn mới.
Hiện tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành chương trình nông thôn mới được Thủ tướng Chính phủ công nhận như: thành phố Châu Đốc, thành phố Long Xuyên công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Thoại Sơn được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới.
Ông Phạm Thái Bình, Phó Chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh An Giang cho biết, tiến độ xây dựng nông thôn mới tại An Giang thời gian qua còn gặp nhiều khó khăn do nguồn vốn ngân sách Trung ương phân bổ chương trình còn hạn chế, trong khi nhiều xã có rất nhiều chỉ tiêu cần vốn hỗ trợ của Nhà nước. Một số chỉ tiêu tuy đạt nhưng tỷ lệ chưa cao hoặc thiếu bền vững như bảo hiểm y tế, môi trường, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo.
“Do cơ chế nguồn vốn không hỗ trợ cho các xã xây dựng nông thôn mới nâng cao nên phần lớn các xã gặp khó khăn trong thực hiện nâng cấp, mở rộng, cải tạo, sửa chữa các công trình xây dựng cơ bản như giao thông, trường học, văn hóa,… để nâng từ chuẩn xã nông thôn mới lên xã nông thôn mới nâng cao”, ông Bình thông tin.
Xác định xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ chính trị quan trọng và lâu dài, không có điểm dừng, tỉnh An Giang đề nghị Trung ương sớm ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để địa phương có định hướng xây dựng nghị quyết, kế hoạch thực hiện.
Tỉnh cũng đề nghị Trung ương sớm ban hành Quy định cơ chế nguồn vốn hỗ trợ cho các xã thực hiện nông thôn mới nâng cao nhằm tạo điều kiện cho các xã trong tổ chức thực hiện nâng cấp, mở rộng, cải tạo, sửa chữa các công trình xây dựng cơ bản như: giao thông, trường học, văn hóa,… để đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.
Để hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đối với năm 2020, ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, duy trì, thúc đẩy chương trình luôn phát triển ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, rà soát lại thực chất, củng cố, bổ sung xây dựng kế hoạch cụ thể công tác duy trì, nâng chất theo bộ tiêu chí mới.
“An Giang sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập người dân. Trong số đó, phát triển sản xuất, chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ du lịch, với bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự”, ông Nguyễn Sĩ Lâm nói.
Trong xây dựng nông thôn mới, thời gian tới An Giang tiếp tục triển khai các cơ chế, chính sách liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Cùng đó, gắn kết với nông dân thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, thúc đẩy sự phát triển bền vững các loại hình hợp tác, tiền đề để xây dựng các chuỗi liên kết thật sự bền chặt, cùng chia sẽ lợi nhuận và rủi ro; giúp củng cố tiêu chí về tổ chức sản xuất và tăng thu nhập bền vững cho người nông dân.…/.