Nga cho biết họ không thể “đơn phương nhượng bộ” đối với NATO.
Cụ thể, theo báo Nga Thương gia (Kommersant), Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đề xuất với Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng cả hai bên nên ngưng tổ chức các cuộc tập trận như một giải pháp “mang tính xây dựng và lạc quan” trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành. Tuy nhiên, NATO ngay lập tức từ chối lời đề nghị này.
Trả lời báo Kommersant, ông Oana Lungescu – phát ngôn viên NATO cho rằng những cuộc tập trận của liên minh này chỉ đơn thuần mang mục đích phòng vệ và có tính đối xứng. Việc NATO đẩy mạnh các hoạt động quân sự gần đây sát biên giới phía Tây của Nga chỉ là phản ứng trước việc Moskva tăng cường tiềm năng quân sự ở khu vực biển Baltic.
Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Rybakov gọi quyết định của NATO là “đáng thất vọng”.
Chỉ trong gần 6 tháng xuất hiện, đại dịch COVID-19 đã lây lan ra 213 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tính đến sáng 27/5, thế giới ghi nhận ít nhất 5,6 triệu người mắc COVID-19, trong đó có trên 352.000 người tử vong. Đại dịch đã khiến nhiều quốc gia phải thay đổi lịch trình tổ chức các cuộc tập trận, cắt giảm quy mô hay thậm chí là hủy bỏ.
Tuần trước, Ngoại trưởng Lavrov thông báo quân đội Nga đang “cắt giảm quy mô tập trận và không có kế hoạch tổ chức bất kỳ sự kiện quân sự nào gần biên giới NATO”. Về phần mình, NATO mặc dù cũng cắt giảm đáng kể quy mô cuộc tập trận "Người bảo vệ châu Âu 20" (Defender-Europe 20) nhưng không hủy hoàn toàn. Đây được được đánh giá là cuộc tập trận chung lớn nhất của khối quân sự tại châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, với dự tính ban đầu có sự tham gia của trên 37.000 binh sĩ.
Đầu tháng Ba, Tổng thư ký Jens Stoltenberg tuyên bố liên minh sẽ duy trì các cuộc tập trận quy mô lớn, huy động hàng nghìn binh sĩ bất chấp lo ngại về dịch bệnh COVID-19. Mới đây, Lục quân Mỹ thông báo các cuộc tập trận quân sự của Mỹ tại châu Âu trước đó tạm dừng do COVID-19 cũng sẽ được tiến hành trong tháng 6 tới. Kể từ đầu năm tới giờ, đã có trên 6.000 binh sĩ Mỹ và 3.000 trang thiết bị được đưa tới châu Âu, trong khi hơn 9.000 phương tiện cơ giới được điều tới các căn cứ huấn luyện tại Đức.
Từ lâu, Nga luôn cho rằng việc nước ngoài tăng cường quân sự dọc các biên giới nước này là mối đe dọa cho an ninh và làm suy yếu sự ổn định ở châu Âu. Đổi lại, NATO kêu gọi Nga sửa đổi Tài liệu Vienna 2011 - một thỏa thuận vạch ra các biện pháp xây dựng lòng tin, minh bạch và có sự giám sát của bên thứ ba đối với các cuộc tập trận quân sự. Nga cho rằng những sửa đổi đó sẽ không giải quyết được căng thẳng hiện tại mà thay vào đó chỉ là “hợp pháp hóa” chúng.
Thứ trưởng Ryabkov nhấn mạnh nếu NATO muốn cải thiện được tình hình an ninh tại châu Âu, khối này không nên chỉ nêu ra yêu cầu mà cần đề xuất những phương án đảm bảo lợi ích của Nga về an ninh quốc gia.