Cuộc tập trận phòng không Air Defender, dự kiến diễn ra từ ngày 12 đến 23/6 được tổ chức nhằm tạo ra một mặt trận thống nhất ở châu Âu trong bối cảnh xung đột ở Ukraine đang đi vào bế tắc. Khoảng một nửa phương tiện tham gia tập trận thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Mỹ (ANG).
Trong một cuộc họp báo ngày 5/4, Chỉ huy ANG Trung tướng Michael Loh cho biết cuộc tập trận cũng đánh dấu đợt triển khai xuyên Đại Tây Dương lớn nhất của lực lượng này kể từ Chiến tranh vùng Vịnh.
“Chúng ta có thể tập hợp liên minh một cách nhanh chóng, với lực lượng đáng tin cậy, để đảm bảo nếu Nga dàn quân ở biên giới NATO, thì chúng tôi sẵn sàng hành động. Chúng tôi sẽ bảo vệ từng tấc đất”, Tướng Loh nhấn mạnh.
Cuộc tập trận Air Defender được ví như “phiên bản sinh đôi” cuộc tập trận Người bảo vệ Châu Âu hằng năm của Lục quân Mỹ được triển khai từ năm 2018, dưới sự dẫn dắt của quân đội Đức.
Theo Tướng Loh, cuộc tập trận này không đặt ra kịch bản NATO phải đối đầu với một kẻ thù cụ thể nào. Tuy nhiên, sự kiện cũng sẽ giúp lực lượng cơ hội có được những kinh nghiệm quý báu trong khu vực và phối hợp với những đối tác châu Âu.
Các phương tiện của Không quân Mỹ tham gia tập trận bao gồm máy bay tấn công A-10C, chiến đấu cơ F-15C, F-16 và F-35A, máy bay không người lái giám sát MQ-9, máy bay vận tải C-17 và C-130H, máy bay tiếp nhiên liệu KC-46 và KC-135. Bên cạnh đó, chiến đấu cơ F/A-18 của Hải quân Mỹ và máy bay giám sát mục tiêu E-3 của NATO, máy bay tiếp dầu A400 của Đức cũng góp mặt.
Phần Lan – quốc gia chính thức gia nhập NATO vào hôm 4/4 – dự kiến sẽ tham gia.
Lực lượng Mỹ sẽ bắt đầu đến châu Âu vào ngày 29/5, hai tuần trước khi Air Defender chính thức bắt đầu. Hầu hết các chuyến bay sẽ được thực hiện trên ba khu vực của Đức và Biển Bắc. Họ cũng sẽ thực hành các nhiệm vụ chuyển hướng nhanh đến các sân bay ở Đông Âu.
Cuộc tập trận là một đợt thử nghiệm trong trường hợp NATO rơi vào một cuộc chiến. Trong tập trận, các phi công sẽ phải ứng phó với tên lửa đất đối không mô phỏng, thiết bị gây nhiễu liên lạc điện tử và các mối đe dọa khác. Cuộc tập trận cũng sẽ tập trung giải quyết thách thức đối với phi công trong trường hợp máy bay gặp thời tiết không thuận lợi, thiệt hại hoặc một cuộc tấn công khiến nó chuyển hướng.
Các căn cứ cơ động có thể được yêu cầu nhận máy bay chiến đấu và đưa chúng trở lại chiến đấu. Những đơn vị bảo dưỡng châu Âu sẽ được giao nhiệm vụ sửa chữa máy bay Mỹ. Đội kiểm soát tấn công liên hợp nước ngoài – tên gọi của lực lượng mặt đất hướng máy bay đến mục tiêu trên thực địa tại châu Âu – có nhiệm vụ liên lạc với máy bay tấn công A-10C và máy bay không người lái MQ-9.
Theo Trung tướng Loh, cuộc tập trận cũng là một cơ hội chín muồi để giải quyết ổn thỏa công tác hậu cần vận chuyển hàng hóa và thiết lập các căn cứ trong một cuộc xung đột có thể trải rộng hàng triệu km2. Các đội cơ động phải cùng nhau giải quyết vấn đề xem bên nào được trang bị tốt nhất để cung cấp vật tư một cách kịp thời và làm thế nào để giữ cho hàng trăm máy bay được tiếp nhiên liệu một cách hiệu quả nhất ở một số quốc gia khác nhau.
Một cuộc tập trận thành công có thể mở đường cho các đợt triển khai không quân quy mô lớn khác ở châu Âu khi tình hình an ninh ở sườn phía Đông của NATO ngày càng biến động.
Lực lượng không quân Đức cho biết: “Với Air Defender, chúng tôi gửi một tín hiệu rõ ràng rằng chúng tôi đang hoàn toàn đảm bảo an ninh cho liên mình và không có điều gì sai ở đây cả. Cuộc chiến ở Ukraine sẽ quyết định tình hình hiện giờ và định hình tương lai của chúng ta”.