Việc phong tỏa tư cách thành viên của Thụy Điển là động thái mới nhất trong một loạt các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ khiến các thành viên khác của NATO không hài lòng. Năm 2017, Thổ Nhĩ Kỳ đã gây tranh cãi khi quyết định mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga. Ankara đã nhiều lần tấn công lực lượng dân quân người Kurd mà Mỹ đã hỗ trợ ở Syria và đến nay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vẫn thường xuyên đối thoại với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.
Một số quan chức NATO đã nổi giận với cách tiếp cận trên của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là chính sách đối với Moskva và liên quan đến vấn đề dân chủ. Trong một động thái mang tính biểu tượng, Nhà Trắng đã không mời các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ mới được tổ chức. Thậm chí, một số nhà quan sát đang công khai tự hỏi làm thế nào mà Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO từ năm 1952, có thể phù hợp với liên minh quân sự của phương Tây?
Tuy nhiên, nhiều quan chức NATO khác và các đồng minh đã tỏ ra không muốn đề cập đến vấn đề này. Họ khẳng định NATO và Thổ Nhĩ Kỳ có lợi ích chung và chỉ cần tìm ra cách để nó phát huy hiệu quả.
Họ cũng lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ có lực lượng quân sự đứng thứ 2 trong NATO, tích cực đóng góp cho các nhiệm vụ và hoạt động của liên minh. Điều đặc biệt quan trọng là Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí đắc địa giữa Biển Đen và Địa Trung Hải, kiểm soát những tuyến đường quan trọng. Ngoài ra, mối quan hệ với Nga của Thổ Nhĩ Kỳ thậm chí có thể khiến nước này trở thành một bên đối thoại hữu ích trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng với Ukraine.
“Thổ Nhĩ Kỳ là một đồng minh quan trọng của NATO và vì nhiều lý do”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn, nhấn mạnh về vai trò của Ankara với vị trí địa lý, chiến đấu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, hỗ trợ Ukraine, duy trì dòng chảy thương mại của thế giới.
Nói cách khác, NATO cần Thổ Nhĩ Kỳ, mặc dù vẫn tồn tại nhiều vấn đề "đau đầu", đồng thời sẵn sàng thỏa hiệp và giảm bớt những bất đồng để đảm bảo Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là thành viên của liên minh. Về phần mình, Thổ Nhĩ Kỳ cũng muốn ở lại trong NATO, cần sự đảm bảo của NATO khi đối mặt với các thách thức từ những quốc gia như Iran và thậm chí cả Nga.
Sinan Ülgen, thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie châu Âu cho biết: “Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp một vùng đệm an ninh cho NATO và ngược lại NATO cung cấp một chiếc ô an ninh cho Thổ Nhĩ Kỳ”.
Hành động cân bằng của Ankara
Dù là thành viên NATO, nhưng chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ gần như khác biệt với hầu hết các đồng minh trong khối. Ankara đã phản đối chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine và viện trợ cho Kiev, nhưng cũng từ chối trừng phạt Moskva. Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Tổng thống Erdogan đã gặp trực tiếp người đồng cấp Nga Putin nhiều lần, cùng với những cuộc điện đàm thường xuyên. Ông Erdogan thậm chí còn cáo buộc phương Tây khiêu khích Nga.
Một nhà ngoại giao cấp cao khác của châu Âu nói với điều kiện giấu tên cho biết: “Quốc gia này đã áp dụng cách tiếp cận cân bằng mọi thứ một cách thực tế để tối đa hóa lợi ích của chính họ". Tuy nhiên, theo quan điểm của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Ankara là một đồng minh NATO có thể đảm nhận vai trò "bắc cầu" mà các nước phương Tây đang tìm cách thực hiện.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nêu rõ: “Mặc dù chúng tôi có những bất đồng lớn về một số vấn đề nhất định, nhưng chúng tôi có một kênh liên lạc đặc biệt với Nga”. Quan chức này lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp môi giới cho thỏa thuận giữa Nga và Ukraine để xuất khẩu ngũ cốc qua Biển Đen. Thỏa thuận này “ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực mới”, quan chức trên nhấn mạnh, đồng thời cho biết thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang đóng vai trò tích cực trong hoạt động trao đổi tù nhân giữa Nga và Ukraine.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ thứ hai nhấn mạnh rằng “không ai có thể tuyên bố một cách hợp lý rằng chúng tôi là một kẻ đứng ngoài liên minh theo bất kỳ cách nào” nhưng nói rằng “có một số đồng minh không nhạy cảm với các mối quan tâm an ninh sống còn và hiện hữu của chúng tôi”.
Cho dù bị coi là "kẻ gây rối" hay được gọi là "nhà môi giới", Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có ảnh hưởng và nhận được sự nhượng bộ trong NATO. Jamie Shea, cựu quan chức cấp cao của NATO, cho biết hầu hết các đồng minh khác “không muốn bị cô lập, họ không muốn trở thành kẻ xấu”. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ “không bận tâm” và điều đó “mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ đòn bẩy và sức mạnh lớn”.
"Nước cờ" Thụy Điển
Việc sẵn sàng hành động một mình của Ankara hiện đã được thể hiện đầy đủ khi nước này chưa ủng hộ tư cách thành viên NATO của Thụy Điển. Phần Lan và Thụy Điển đã cùng nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022. Tuy nhiên, Ankara nêu lên mối lo ngại về việc các nước này ủng hộ các nhóm người Kurd và hạn chế xuất khẩu vũ khí.
Vào tháng 6 năm ngoái, cả ba đã ký một thỏa thuận cam kết Phần Lan và Thụy Điển thắt chặt luật chống khủng bố của họ, giải quyết các yêu cầu dẫn độ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các nghi phạm khủng bố và trấn áp Đảng Công nhân người Kurd (PKK), một nhóm chiến binh chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhưng khi nhiều tháng trôi qua và các quan chức NATO bắt đầu khẳng định hai nước đã hoàn thành các điều khoản của thỏa thuận, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng tiến độ đó là không đủ.
Các chuyên gia nhận định vấn đề này một phần có liên quan đến chính trị trong nước - Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tổ chức bầu cử vào tháng 5 tới và căng thẳng với Stockholm leo thang sau vụ đốt kinh Koran trong một cuộc biểu tình hồi đầu năm nay. Họ nói thêm rằng Thổ Nhĩ Kỳ cũng có khả năng đang tìm cách gây áp lực với Mỹ liên quan đến thương vụ mua bán máy bay chiến đấu F-16.
Aslı Aydıntaşbaş, một thành viên thỉnh giảng tại Viện Brookings chuyên về chính sách đối nội và đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ, nhận xét: “Ý tưởng chia tách tư cách thành viên và chấp nhận Phần Lan của Thổ Nhĩ Kỳ là rất thông minh. Tôi nghĩ rằng điều đó đã có lợi rất nhiều cho Thổ Nhĩ Kỳ khi chứng minh rằng sự phản đối của họ đối với Thụy Điển không phải thực hiện theo yêu cầu của Nga, mà đó là hành động vì lợi ích và yêu cầu của chính Thổ Nhĩ Kỳ”.
Có nhiều suy đoán trong NATO rằng Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phê chuẩn đơn xin gia nhập của Thụy Điển sau cuộc bầu cử của họ. Các quan chức và chuyên gia phương Tây cho rằng Ankara không muốn kéo dài vấn đề này mãi mãi, trong khi Hungary - quốc gia tương tự vẫn chưa chấp thuận tư cách thành viên của Thụy Điển - không có khả năng một mình phong tỏa việc gia nhập.
Bất chấp những e ngại về hành vi của Ankara, chính sách đối ngoại của họ có thể có ích trong tương lai. Shea, cựu quan chức cấp cao của NATO, kết luận: "Các cuộc đàm phán hòa bình ở Ukraine chưa thể xảy ra vào lúc này. Nhưng khi vấn đề đó nổi lên, ai sẽ đóng vai trò hòa giải? Đó sẽ là Trung Quốc hay Thổ Nhĩ Kỳ? Tôi đặt cược vào Thổ Nhĩ Kỳ”.