Thời điểm “vàng” cho người gửi tiền, doanh nghiệp vay vốn lo lắng
Theo NHNN, từ ngày 25/10, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại các tổ chức tín dụng là 6%/năm, thay vì 5%/năm như mức cũ. Riêng Quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa cho tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6,5%/năm. Với khoản tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, trần lãi suất được nâng từ 0,5% lên 1%/năm.
Bên cạnh đó, 2 loại lãi suất điều hành khác gồm lãi suất tái cấp vốn; tái chiết khấu cũng tăng thêm 1 điểm phần trăm, lên tương ứng 6%/năm và 4,5%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế tăng từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, TS, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Tôi ủng hộ NHNN tăng lãi suất điều hành vì không còn cách nào khác. Nguyên do áp lực lạm phát toàn cầu ở mức cao. Trong bối cảnh này, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã 5 lần điều chỉnh tăng lãi suất mục tiêu lên mức 3 - 3,25%/năm và dự báo còn tiếp tục tăng trong các tháng cuối năm 2022 và năm 2023. Ngoài ra, việc đồng USD lên giá mạnh đã làm gia tăng áp lực lên mặt bằng lãi suất và tỷ giá trong nước, tạo sức ép lên lạm phát”.
Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, trước đó, NHNN đã tăng một loạt lãi suất điều hành sau thời gian giữ ổn định kể từ tháng 10/2020 đến nay. Động thái tăng tiếp lãi suất của NHNN dự báo sẽ tác động mạnh tới nền kinh tế, thị trường tiền tệ, trong bối cảnh chỉ số VN-Index lại thủng mốc 1.000 điểm sau 2 năm cầm cự.
Sau phiên hoạt động tích cực ngày 25/10, dòng tiền lại đột ngột mất hút trong phiên 26/10 khiến thanh khoản sụt giảm mạnh, VN-Index cũng có phiên biến động hẹp nhất trong 4 phiên gần đây. Để vươn lên mốc trên 1.000 điểm, VN-Index đã phải nỗ lực 13 năm ròng (2007 - 2020). “Lãi suất và giá chứng khoán thường đi ngược chiều nhau. Bên cạnh đó, những vụ việc như: Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát đã tác động tới thị trường vốn, nhất là nguồn vốn cho doanh nghiệp bất động sản, gây ảnh hưởng khó khăn cho nền kinh tế, đặc biệt các doanh nghiệp đang huy động vốn. Việc NHNN tăng lãi suất điều hành, tăng huy động sẽ khiến lãi suất cho vay phải điều chỉnh, doanh nghiệp càng gặp khó khăn trong bối cảnh thị trường trái phiếu hầu như ‘đóng băng’. Tuy nhiên những người được gửi tiền lại có lợi”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, các ngân hàng Trung ương trên thế giới đều phải tăng lãi suất để chống đỡ với đà tăng phi mã của lạm phát. Mặc dù, NHNN muốn giữ ổn định tỷ giá USD/VND để qua đó ổn định lãi suất cho vay, nhằm hỗ trợ nền kinh tế nhưng cả thế giới đồng loạt tăng lãi suất, NHNN không thể cưỡng lại.
“Lãi suất điều hành tăng cao dẫn đến việc tăng lãi suất cho vay là điều khó tránh, song tôi vẫn hy vọng là mặt bằng lãi vay sẽ không tăng cao vì NHNN sẽ có các biện pháp can thiệp như thị trường mở, lãi suất qua đêm thấp, tạo thanh khoản”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng: Việc nâng trần lãi suất huy động sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngân hàng, doanh nghiệp và người dân. Bên cạnh đó, trần huy động được nâng lên cho phép các ngân hàng đang cần vốn trả lãi suất cao hơn cho người gửi tiền. Đây là thời điểm “vàng” cho người gửi tiền, bởi lãi suất vẫn đang có xu hướng nhích lên.
Cùng với đó, các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng áp dụng nhiều ưu đãi cộng thêm lãi suất giúp khách hàng hưởng lợi nhiều hơn. Song điều đó cũng đồng nghĩa tăng chi phí đầu vào của ngân hàng, qua đó có thể khiến lãi suất đầu ra - tức lãi suất cho vay, tăng theo. Tính tới nay, mặt bằng lãi suất cho vay cá nhân lên mức 13% và doanh nghiệp tầm 9%, đã tăng khoảng 2% mỗi năm so với đầu năm.
"Chúng tôi luôn luôn điều chỉnh lãi suất ở mức thấp hơn thị trường và cũng thấp hơn điều hành của NHNN, về cơ bản sẽ cũng không tăng hết mức 1% và làm sao đảm bảo phù hợp với thị trường, đảm bảo tình hình huy động vốn của ngân hàng", bà Phùng Nguyễn Hải Yến - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết.
Giảm sức ép lên lạm phát
Theo các chuyên gia tài chính, việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành là giải pháp kịp thời, phù hợp với xu hướng chung trên toàn thế giới và điều kiện thị trường trong nước cho thấy NHNN luôn nhìn nhận phản ứng của thị trường, khi sau lần tăng lãi suất điều hành thứ nhất áp lực lên thị trường vẫn lớn. Bên cạnh đó, tăng lãi suất điều hành là công cụ quan trọng để giảm bớt áp lực lên mặt bằng lãi suất, tỷ giá trong nước và sức ép của lạm phát để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi trong bối cảnh đồng USD lên giá mạnh.
Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, lãi suất cho vay là do NHTM quyết định, theo quy định của pháp luật. NHNN chỉ định hướng các mức lãi suất ưu tiên cố định, còn lại là do thỏa thuận giữa người cho vay và người đi vay. “Động thái tăng lãi suất điều hành nhằm đảm bảo theo hướng phù hợp diễn biến lạm phát thị trường trong và nước ngoài. Đây là công cụ điều hành, khi cần tăng sẽ điều chỉnh tăng, khi cần giảm sẽ giảm để đảm bảo mục tiêu chung, thích ứng với tình hình mới.
Trong thời gian tới, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng can thiệp thị trường tiền tệ, ngoại hối để đáp ứng nhu cầu thanh khoản của các tổ chức tín dụng; qua đó góp phần ổn định thị trường, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Ngay sau khi có quyết định của NHNN, một số NHTM đã điều chỉnh tăng lãi suất ở các kỳ hạn dưới 6 tháng lên kịch trần cho phép. Theo đó, BacABank nâng lãi suất tiền gửi 1 - 5 tháng từ 5%/năm lên kịch trần 6%/năm. Một số ngân hàng khác như: Sacombank, SeaBank, VIB và NCB, Techcombank đã tăng mạnh lãi suất các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng từ 4,1 - 4,6%/năm trước đó lên 5,6 - 6%/năm theo biểu lãi suất mới, tương đương mức tăng 1,4 -1,5% cho các ký hạn từ 1 đến dưới 6 tháng.