‘Ngày chuyển đổi số’ ngành ngân hàng sẽ được tổ chức vào ngày 3/8

Ngày 28/7, bà Nguyễn Thị Hòa, Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước – NHNN) cho biết: Để đẩy mạnh triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ, sự kiện “Ngày chuyển đổi số” ngành ngân hàng dự kiến được tổ chức vào ngày 3/8 tại trụ sở NHNN Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ngành ngân hàng ưu tiên đầu tư, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số vào hoạt động ngân hàng.

Trong “Ngày chuyển đổi số” sẽ có hội thảo khoa học: “Tăng cường kết nối, thúc đẩy chuyển đổi số ngân hàng” nhằm đưa ra giải pháp ứng dụng công nghệ vào phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng; triển lãm trưng bày các sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu về ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số ngân hàng. 

Theo đó sẽ có 13 gian hàng (của 4 đơn vị thuộc khối ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước gồm: Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank; 8 đơn vị thuộc khối NHTM cổ phần gồm: TPBank, Techcombank, VIBank, MBBank, ACB, KienLongBank, NamABank; HDBank); đơn vị thuộc khối công ty trung gian thanh toán là VNPay nhằm giới thiệu các dịch vụ ngân hàng trực tuyến; máy giao dịch ngân hàng tự động STM, chi nhánh ngân hàng 4.0, các dịch vụ thanh toán hiện đại như thanh toán QR code, Tap to pay, Livebank, thanh toán phi tiếp xúc...

Bà Nguyễn Thị Hòa cho biết: Ngày 11/5 được chọn là “Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng”, đây cũng là ngày Thống đốc NHNN, Trưởng ban Chỉ đạo Chuyển đổi số ngành ngân hàng ký ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN). Việc ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng có thể xem là cột mốc đánh dấu rõ ràng nhất về kế hoạch chuyển đổi số, có ý nghĩa quan trọng giúp xác định rõ định hướng, kế hoạch triển khai của ngành ngân hàng trong xu thế chuyển đổi số. 

Nhận thức được tầm quan trọng, ảnh hưởng sâu rộng của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với ngành ngân hàng, NHNN đã khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và ban hành các chính sách, kế hoạch lớn mang tính chất định hướng, tận dụng cơ hội cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng, như: Đề án thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) trải dài nhiều giai đoạn từ năm 2006; kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. 

Theo Vụ Thanh toán (NHNN), các dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số phát triển mạnh mẽ, đặc biệt dịch vụ thanh toán điện tử có tốc độ số hóa, tăng trưởng nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị; qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 98,3 và 84,3%; qua mã phản hồi nhanh (QR code) tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021); có 68% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) tính đến tháng 6/2022.

Nhiều ngân hàng Việt Nam chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số, vượt sớm và xa mục tiêu đặt ra tại Quyết định 810 là 70% năm 2025; nhiều tổ chức tín dụng có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang chuyển đổi số nỗ lực hướng tới.

Theo hãng tư vấn chiến lược toàn cầu McKinsey, năm 2021, ngành ngân hàng Việt Nam được đánh giá có mức độ ứng dụng ngân hàng số với tốc độ nhanh nhất trong khu vực, cao hơn mức tăng bình quân của toàn khu vực và thậm chí cao hơn mức tăng bình quân của thị trường mới nổi.

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Phát động cuộc thi ‘Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam 2022’
Phát động cuộc thi ‘Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam 2022’

Chiều ngày 22/7, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) tổ chức lễ phát động “Tìm kiếm giải pháp chuyển đổi số Việt Nam 2022 – Viet Solutions 2022”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN