Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tuyến dưới sự chỉ đạo và bảo trợ của Ban Kinh tế Trung ương, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam; Tập đoàn IEC và Tập đoàn Backbase là đơn vị phối hợp tổ chức.
Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng chủ trì Tọa đàm.
Phát biểu khai mạc, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển nêu rõ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về “Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 17/4/2020 về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, trong đó, ngân hàng là ngành kinh tế mở đường, đi đầu trong chuyển đổi số và xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số để thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Thực hiện nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao chủ trì, kiểm tra, hướng dẫn, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 52, Ban Kinh tế Trung ương chỉ đạo và bảo trợ chuyên môn tổ chức Tọa đàm lần này nhằm tạo lập diễn đàn cho lãnh đạo các ngân hàng tại Việt Nam trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình xây dựng và phát triển hệ sinh thái ngân hàng số, qua đó cung cấp thêm những đề xuất, khuyến nghị kịp thời nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi trong quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho rằng, hiện vấn đề chuyển đổi số, thanh toán không dùng tiền mặt là nhu cầu bức thiết. Tuy nhiên, khi đi vào thực tế, việc chuyển đổi số của các ngân hàng ở Việt Nam còn nhiều vấn đề phát sinh như: chưa tương thích về công nghệ, chuyển đổi số chưa đồng bộ… Giờ đây, ngân hàng nào đáp ứng được nhu cầu người dân sẽ có hệ sinh thái lớn nhất và ngay bản thân các tổ chức tín dụng cũng phải phối kết hợp với nhau để cùng phát triển.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh, việc chuyển đổi số là cơ hội, nhiệm vụ, trách nhiệm của ngành ngân hàng, hướng đến thanh toán không dùng tiền mặt. Ngành ngân hàng đã có kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025, hướng đến năm 2030. Tọa đàm là cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm bổ ích cho ngành ngân hàng.
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng, Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho rằng, xu thế ngân hàng số cũng như hệ sinh thái là vấn đề rất quan trọng; cần định hình hệ sinh thái là gì, đi từ nội hàm căn bản, trong đó có các phạm trù: khách hàng; kết hợp đa dạng sản phẩm, dịch vụ từ nhiều lĩnh vực khác nhau, nhiều nhà cung cấp khác nhau; tích hợp dữ liệu trên nền tảng số. Như vậy sẽ tạo ra cơ hội và thách thức cho mỗi ngân hàng.
Tại Tọa đàm, các diễn giả đã trình bày ý kiến chuyên sâu, tập trung vào các chủ đề: Xây dựng mối quan hệ và gắn kết khách hàng trong thế giới số; nâng cao trải nghiệm cho khách hàng trong thời kỳ COVID-19; tái gắn kết khách hàng của chi nhánh trong thời kỳ giãn cách và tích hợp mô hình đa kênh...
Tọa đàm đã mang lại cái nhìn toàn cảnh về xu hướng phát triển hệ sinh thái ngân hàng số trong bối cảnh “bình thường mới”; đa dạng hóa các dịch vụ theo mô hình đa kênh nhằm thu hút và đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, đồng thời đề xuất các giải pháp đổi mới sáng tạo, hiệu quả cho hoạt động ngân hàng, thiết kế trải nghiệm khách hàng và đảm bảo an toàn, bảo mật cho các giao dịch trực tuyến.
Các đại biểu đã thảo luận về sự thay đổi không ngừng của môi trường kinh doanh số, về các thách thức mà các ngân hàng đang phải đối mặt hiện nay, qua đó cho thấy cần có những biện pháp đổi mới hiệu quả, kịp thời. Sức ép cạnh tranh không chỉ đến từ các ngân hàng trong và ngoài nước mà còn đến từ những nhà cung cấp dịch vụ tài chính phi truyền thống như các hệ thống bán lẻ, viễn thông… Nhu cầu sử dụng đa dạng các dịch vụ ngân hàng số của cả khối khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đều tăng cao, khách hàng kỳ vọng nhiều hơn vào các giải pháp cá nhân hóa và tiện lợi cho mọi nhu cầu hàng ngày thông qua một ứng dụng trực tuyến duy nhất.
Kết luận tọa đàm, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp, chắt lọc và tiếp thu các ý kiến trong quá trình theo dõi thực hiện Nghị quyết 52, phục vụ xây dựng Đề án “Chủ trương, chính sách công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.