Trong năm 2020, đại dịch COVID-19 lan rộng và kéo dài đã làm thay đổi thói quen tiêu dùng trên toàn cầu. Thay vì mua sắm, thanh toán trực tiếp, nhiều người dân lựa chọn mua hàng và thanh toán trực tuyến để phòng ngừa dịch lây lan. Nắm bắt cơ hội đó, nhiều ngân hàng đã đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, tập trung đầu tư công nghệ, số hóa các dịch vụ, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng. Tuy vậy, việc chuyển đổi số ở ngành ngân hàng không chỉ là câu chuyện tất yếu diễn ra trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ mà dần gắn với thương hiệu, uy tín và trở thành động lực tăng trưởng ở nhiều ngân hàng.
“Cú hích” từ COVID-19
Giữa tháng 12/2020, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) ra mắt ngân hàng thuần số TNEX với những lợi thế cạnh tranh vượt trội về tiện ích. TNEX không có chi nhánh, không có phòng giao dịch và là một trong những ngân hàng đầu tiên cho phép mở tài khoản hoàn toàn trực tuyến thông qua ứng dụng TNEX trên điện thoại thông minh với công nghệ định danh điện tử (eKYC).
Theo đó, thay vì phải di chuyển, xếp hàng tại các phòng giao dịch, người dùng chỉ cần 2 bước xác thực đơn giản trong chưa đầy 1 phút là hoàn tất việc đăng kí tài khoản online và thực hiện giao dịch ngay sau đó.
Ông Bryan Carroll, Giám đốc Khối Ngân hàng số của MSB cho biết, TNEX là một ngân hàng thuần số, xây dựng dựa trên nền tảng mô hình vận hành và kinh doanh số. Chính điều này cho phép TNEX tạo ra và cung cấp các sản phẩm dịch vụ với chi phí thấp hơn các ngân hàng truyền thống tới gần 97%.
Trước đó, tháng 11/2020, Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng ra mắt tài khoản ngân hàng số với bộ ba giải pháp thanh toán gồm tài khoản số Digi, ứng dụng MyVIB và thẻ thanh toán toàn cầu iCard. chỉ sau vài phút định danh trực tuyến eKYC. Đây là một trong những tài khoản ngân hàng số toàn diện đầu tiên tại Việt Nam khi toàn bộ quy trình mở và sử dụng tài khoản đều được thực hiện online.
Theo đại diện VIB, với bộ ba giải pháp thanh toán số này, việc tiếp cận dịch vụ ngân hàng của khách hàng, nhất là khách hàng trẻ, trở nên đơn giản và thuận tiện hơn, giúp tiết kiệm tối đa thời gian và gia tăng tiện ích cho khách hàng, đồng thời, góp phần tích cực thúc đẩy thanh toán không tiền mặt trong giai đoạn cao điểm mua sắm cuối năm.
Không chỉ riêng những ngân hàng trên, trong năm 2020, đại dịch COVID-19 trở thành chất xúc tác quan trọng đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số của nhiều ngân hàng. Hàng loạt ngân hàng thương mại như Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Phát triển TP Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapitalBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)… đều triển khai ứng dụng eKYC khi mở tài khoản trên trên ứng dụng di động. Đây được xem là bước quan trọng để các ngân hàng đẩy nhanh quá trình số hóa.
Ở nhóm “big 4”, quá trình chuyển đổi số cũng diễn ra mạnh mẽ trong năm 2020. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) đã ra mắt ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank, mà theo Vietcombank, đây là dịch vụ mới nổi bật với sự đồng nhất về trải nghiệm, dễ dàng trong thao tác, tích hợp nhiều giải pháp bảo mật ưu việt.
Ngay tại ngân hàng nổi tiếng truyền thống như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cũng tiên phong triển khai lắp đặt ATM đa chức năng (CDM) trên thị trường thẻ.
Theo ông Nguyễn Hải Long, Phó Tổng Giám đốc Agribank, hệ thống CDM được khách hàng đánh giá cao qua việc gia tăng chức năng, tiện ích cung cấp cho khách hàng, không chỉ gửi/rút tiền tự động mà còn thanh toán tiền vay tại CDM, thay vì phải đến quầy giao dịch. Đây được xem là cơ sở để Agribank tiến tới triển khai mở rộng các dịch vụ ngân hàng số hiện đại như ngân hàng tự động Autobank, ứng dụng eKYC, giao dịch rút tiền không cần thẻ… dần thay thế các phòng giao dịch hoạt động không hiệu quả.
Những “quả ngọt” đầu tiên
Theo kết quả kinh doanh năm 2020 mới công bố của TPBank, trong năm 2020, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch được Đại hội đồng cổ đông đề ra.
Đáng chú ý, số lượng tài khoản và thẻ mở mới qua hệ thống LiveBank trong năm 2020 đã tăng gấp 4 lần năm 2019, CASA tăng gấp 5 lần và các máy LiveBank xử lý hơn 7 triệu giao dịch, tăng 130%. Số lượng khách hàng mới tăng đáng kể trong năm qua, nâng tổng số khách của TPBank lên 3,6 triệu.
Tại VPBank, chiến lược số hóa khi phát triển ngân hàng điện tử VPBank Online cũng đã phát huy hiệu quả, giúp ngân hàng tối ưu hóa vận hành, giảm thiểu chi phí, nâng cao trải nghiệm và gia tăng nền tảng khách hàng. Từ đó ghi nhận những kết quả ấn tượng trong năm 2020 khi doanh số giao dịch qua kênh ngân hàng điện tử tăng gấp 2 lần so với 2019. Các hợp đồng mở thẻ tín dụng, mở thấu chi và vay tín chấp trên VPBank Online tăng từ 2 đến 3 lần mỗi năm từ năm 2018.
Tiến trình chuyển đổi số của các ngân hàng diễn ra ngày càng mạnh mẽ thể hiện qua số liệu của Ngân hàng Nhà nước, khi tốc độ tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt trên cả nước liên tục tăng trưởng qua các năm và đặc biệt tăng mạnh trong năm 2020.
Theo ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, so với cách đây 5 năm, số lượng và giá trị thanh toán qua kênh Internet tăng gấp 3 lần; số lượng và giá trị thanh toán qua kênh điện thoại di động tăng hơn 10 lần. Hoạt động thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công cũng được đẩy mạnh, đáp ứng được nhu cầu thu, chi ngân sách của người dân và doanh nghiệp nhanh chóng, kịp thời...
Đại diện Ngân hàng nhà nước cũng cho biết, trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước sẽ thiết lập hoạt động thanh toán bán lẻ hiện đại, kết nối với nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau; trong đó, thanh toán dịch vụ công được đặc biệt quan tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này sẽ giúp quá trình chuyển đổi số của từng ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Theo chuyên gia tài chính Tiến sĩ Cấn Văn Lực, trong khoảng 4 năm gần đây, tiến trình chuyển đổi số của nền kinh tế Việt Nam nói chung và hệ thống ngân hàng diễn ra tương đối nhanh. Điều này thể hiện qua các chỉ số quan trọng như, số người dùng điện thoại thông minh hiện 55 - 65% trong số những người đang có điện thoại; dịch vụ ngân hàng qua điện thoại di động tăng trưởng mạnh trong năm 2020; thanh toán điện tử cũng diễn ra nhanh, tăng trưởng 25-30%, cao gấp rưỡi so với bình quân của khu vực… Đặc biệt, trong và sau dịch COVID-19, tâm lý hành vi tiêu dùng của người dân có sự thay đổi mạnh mẽ, hướng đến sử dụng công nghệ số nhiều hơn rất nhiều so với trước đây. Đây là những thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tuy vậy, các chuyên gia cũng cho rằng, hành lang pháp lý về Mobile Money, Fintech, cho vay ngang hàng, eKYC… cần được ban hành sớm hơn, để tránh hiện tượng thể chế không bị quá trễ so với yêu cầu thực tại của cuộc sống; từ đó, tạo điều kiện xây dựng hệ sinh thái hoàn chỉnh cho tiến trình chuyển đổi số của ngành ngân hàng...