Giải ngân nhanh đầu tư công sẽ tác động tới chứng khoán

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà - chuyên viên phân tích cao cấp, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư, Công ty CP Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết: Các thông tin khiến nhà đầu tư quan tâm sẽ tiếp tục liên quan tới câu chuyện giải ngân đầu tư công, là động lực chính cho tăng trưởng nền kinh tế trong những tháng cuối năm.

Chú thích ảnh
Giải ngân đầu tư công vẫn là dòng thông tin “thời thượng” trên thị trường chứng khoán tháng 9/2022. Ảnh: TTXVN
 

Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Thống kê (TCTK), vốn đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước (NSNN) tháng 8/2022 được các bộ, ngành và địa phương nỗ lực tập trung triển khai và giải ngân trong bối cảnh dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi mạnh.

Theo đó, tháng 8/2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 48.300 tỷ đồng, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn do Trung ương quản lý đạt 8,9 nghìn tỷ đồng, tăng 36,8%; vốn địa phương quản lý 39,4 nghìn tỷ đồng, tăng 55,2%. Tính chung 8 tháng năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN ước đạt 285.400 tỷ đồng, bằng 51% kế hoạch năm và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 bằng 48,6% và giảm 0,7%).

Vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 50.400 tỷ đồng, bằng 47,7% kế hoạch năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước.

Để đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này, Thủ tướng Chính phủ đã giao 6 Tổ công tác tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (34,47%).  Thủ tướng yêu cầu các Tổ công tác đi trực tiếp kiểm tra tại một số bộ, cơ quan, địa phương để sớm giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy tiến độ giải ngân.

Theo bà Nguyễn Lý Thu Ngà, sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm và GDP quý II/2022 của Mỹ giảm 0,9% được công bố trong tháng 7/2022 phù hợp với các dự đoán trước đó của giới đầu tư. TTCK vì vậy cũng đã hướng sự chú ý sang yếu tố tăng trưởng lợi nhuận trong quý II/2022 cũng như triển vọng những tháng cuối năm. Theo đó, TTCK Mỹ phục hồi là chất xúc tác quan trọng cho diễn biến tích cực của TTCK Việt Nam.

Khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch khớp lệnh bình quân 1 phiên trên HoSE trong tháng 8/2022 (trước ngày 29/8) tăng tương ứng 27,6% và 36,7% so với mức tháng 7/2022. Thanh khoản thông thường cải thiện mạnh sau khi thị trường hồi phục lại sau một đợt giảm sâu. “Dòng tiền gia tăng trên thị trường hiện nay chủ yếu do nhà đầu tư đẩy mạnh giao dịch trở lại và có hiệu ứng tích cực về thông tin T+2 được áp dụng”, bà Nguyễn Lý Thu Ngà cho biết.

Theo SSI Research, chu kỳ thanh toán được Lưu ký chứng khoán (VSD) chính thức rút ngắn về T+2 từ hôm 29/8 sẽ giúp nhà đầu tư chủ động hơn trong chiến lược giao dịch, kịp thời khóa lợi nhuận hoặc giảm thiểu thiệt hại khi thị trường biến động. Nhờ đó, việc rút ngắn chu lỳ thanh toán sẽ làm tăng thêm sức hấp dẫn của TTCK đối với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Mặc dù quy mô thanh khoản còn tùy thuộc vào các yếu tố khác, nhưng nhìn vào dữ liệu cho thấy thanh khoản dự kiến tăng khoảng 10% từ nay tới cuối năm sau các lần VSD rút ngắn chu kỳ thanh toán trong quá khứ. Tương tự ở các thị trường khác trên thế giới, xu hướng thanh khoản cũng cho thấy đi lên sau khi điều chỉnh chu kỳ thanh toán về T+2 như: Mỹ (+5%), Thái Lan (+20%), hay Malaysia (+2%)...

Bà Nguyễn Lý Thu Ngà nhấn mạnh: Trong tháng 9/2022 và những tháng cuối năm 2022, các thông tin khiến cho nhà đầu tư quan tâm sẽ tiếp tục liên quan tới câu chuyện giải ngân đầu tư công, bên cạnh đó, ngành ngân hàng bên cạnh câu chuyện kỳ vọng được nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, còn được dự báo vẫn tiếp tục có những kết quả khả quan trong ngắn hạn do rủi ro liên quan tới thị trường bất động sản,… chưa thực sự lộ diện rõ nét.

Về rủi ro, FED có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 9/2022, Trung Quốc duy trì chính sách Zero COVID, hay mới hơn gần đây là giá khí tăng mạnh có thể ảnh hưởng tới biến động trên TTCK. Đợt hồi phục của TTCK được kỳ vọng sẽ kéo dài sang tháng 9/2022, tập trung vào nửa đầu tháng.

Ông Lâm Gia Khang, Trưởng Bộ phận phân tích thị trường, Công ty Chứng khoán VietinBank cho rằng: Nếu FED đưa ra quyết định đúng như kỳ vọng của thị trường, kết hợp với thanh khoản có xu hướng cải thiện, VN-Index nhiều khả năng sẽ duy trì xu hướng tăng điểm, áp sát mốc 1.350 điểm trong tháng 9/2022.

Nhiều ý kiến khác cũng có nhận định lạc quan về thị trường trong ngắn hạn khi nhà đầu tư đang kỳ vọng vào hiệu ứng giảm thời gian thanh toán kể từ ngày 29/8. Bên cạnh đó, một số ngân hàng có thể sẽ nhận được quyết định nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng vào giữa tháng 9/2022.

Tuy nhiên, yếu tố tích cực của số liệu vĩ mô và mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2022 đã phản ánh vào nhịp tăng vừa qua, kết hợp với nhu cầu bán chốt lời gia tăng khiến thị trường chung khó có thể bứt phá xa khỏi vùng giá hiện tại và rủi ro sẽ lớn dần. Nhìn lại chuyển động của thị trường trong tháng 9/2022 nhiều năm trở lại đây, hiệu suất tháng 9/2022 không tốt đối với thị trường Việt Nam và cả thế giới. Theo đó, thị trường có thể sẽ sớm điều chỉnh giảm, nhất là trong nửa cuối tháng 9.

Dù vậy, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam dự báo: Nhịp điều chỉnh nếu diễn ra cũng sẽ không mạnh, do điều kiện thị trường hiện tại đã tốt hơn hẳn so với cách đây 2 - 3 tháng. Cụ thể: Tâm lý nhà đầu tư ổn định, rủi ro vĩ mô liên quan đến lạm phát giảm dần, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết hồi phục vững vàng...

Minh Phương/Báo Tin tức
 ‘Nội lực’ kinh tế vĩ mô sẽ là 'phao cứu sinh’ cho thị trường chứng khoán
‘Nội lực’ kinh tế vĩ mô sẽ là 'phao cứu sinh’ cho thị trường chứng khoán

Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn trong tương quan với nhiều nước trên thế giới và khu vực để hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) phục hồi, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất sẽ đến từ tăng trưởng kinh tế vĩ mô và sức khỏe của doanh nghiệp đang hồi phục.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN