‘Nội lực’ kinh tế vĩ mô sẽ là 'phao cứu sinh’ cho thị trường chứng khoán

Việt Nam đang có nhiều lợi thế hơn trong tương quan với nhiều nước trên thế giới và khu vực để hỗ trợ thị trường chứng khoán (TTCK) phục hồi, trong đó điểm nhấn quan trọng nhất sẽ đến từ tăng trưởng kinh tế vĩ mô và sức khỏe của doanh nghiệp đang hồi phục.

Chú thích ảnh
Kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như: Cà phê, gạo, hạt điều, rau quả, tôm, gỗ và sản phẩm từ gỗ... luôn duy trì ở mức cao. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết: Điểm sáng kinh tế Việt Nam tập trung ở nhiều lĩnh vực. Trong đó, ấn tượng là lĩnh vực công nghiệp, thương mại, xuất nhập khẩu. Về ngành công nghiệp phục hồi nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8/2022 tăng cao, ước tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; trong đó chỉ số sản xuất của ngành chế biến chế tạo tăng 16,2%. Tính chung 8 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9,4%, trong đó có nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao như: Sản xuất đồ uống tăng 26,8%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,5%;...

Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2022 phục hồi ở hầu hết các ngành, đạt mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước và dần lấy lại quy mô so với năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó bán lẻ hàng hóa gấp 1,3 lần (tăng 20% so với cùng kỳ năm 2019); dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần (tăng 6,7%). Tính chung 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục duy trì mức tăng cao với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt 497,64 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 3,96 tỷ USD, là điểm sáng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn

Theo phân tích của một số chuyên gia tài chính, hai nhịp hồi của TTCK trong nước từ đầu năm tới đây đã phần nhiều giúp nhà đầu tư lấy lại niềm tin về tương lai tích cực hơn của thị trường trong giai đoạn cuối năm nay và có thể kéo dài sang nửa đầu năm tới.

Tính chung từ đầu năm, chỉ số VN-Index đã hai lần tạo đáy, sau đó củng cố, tích lũy để hồi phục. Đáy lần 1 xuất hiện hồi tháng 3/2022, khi VN-Index tạo đỉnh hơn 1.500 điểm vào tháng 1 và giảm khoảng 20% về 1.171,95 điểm vào ngày 16/5/2022. Tính tới đây, thị trường đã tạo đáy lần thứ nhất trong năm và sau đó xuất hiện nhịp hồi thứ nhất. Chỉ số VN-Index hồi trở lại và tăng lên mức 1.307,80 điểm vào 9/6/2022 và lại chuyển sang một giai đoạn giằng co, giảm điểm tích lũy.

Đáy lần 2 của chỉ số VN-Index xuất hiện vào ngày 6/7/2022 và cũng là đáy mới của năm 2022, khi dừng lại ở 1.149,6 điểm. Sau đó, nhịp hồi mới cũng đã xuất hiện và kéo dài tới thời điểm hiện nay. Tính từ giữa tháng 7 tới nay, VN-Index đã tăng điểm trở lại và chính thức lấy lại, củng cố khá vững chắc mốc 1.200 điểm. Chỉ số VN-Index đã kết thúc tháng 8/2022 ở mức 1.280 điểm và duy trì tháng thứ 2 tăng điểm, với mức tăng 6,15% so với tháng 7/2022, khối lượng giao dịch cải thiện gia tăng tích cực, kỳ vọng thị trường sẽ tiếp tục tăng điểm hướng đến vùng kháng cự tâm lý quanh 1.300 điểm trong tháng tiếp theo

Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng bộ phận Vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDirect: “Vào thời điểm hiện tại, tình hình bên ngoài đã có sự cải thiện, trong đó kỳ vọng của thị trường về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất đã qua đỉnh điểm. Mặc dù bối cảnh quốc tế vẫn còn nhiều bất ổn, chúng tôi nhận thấy sự lạc quan ngày càng tăng đối với triển vọng TTCK Việt Nam trong thời gian tới khi những yếu hỗ trợ dần xuất hiện”.

Theo chuyên gia của VNDirect, nền kinh tế Việt Nam có thể vượt qua những tác động bên ngoài để đạt mức tăng trưởng cao hơn trong nửa cuối năm. Ông Đinh Quang Hinh cho biết: Các điều kiện trên thị trường tiền tệ vẫn tương đối thuận lợi, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra mức tăng trưởng tín dụng khoảng 14% cho năm 2022; đồng thời, kỳ vọng NHNN sẽ nâng trần tăng trưởng tín dụng đối với một số ngân hàng thương mại từ cuối quý III/2022. Đà giảm của giá hàng hóa thế giới và lạm phát trong nước được kiểm soát tốt là điều kiện cho phép NHNN tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành trong năm nay.

“Mặc dù các thách thức và rủi ro hầu hết sẽ trở nên rõ ràng hơn vào năm 2023 hoặc 2024, chúng tôi vẫn kỳ vọng TTCK sẽ có thể phản ánh trước tương lai và tạo đáy sớm hơn do các đợt điều chỉnh gần đây đã phản ánh được một phần những thách thức và rủi ro này. Chỉ số VN-Index dự kiến có thể sẽ biến động theo xu hướng đi ngang (sideway) cho đến khi các rủi ro và bất ổn lớn được giải quyết”, chuyên gia của SSI Research nhận định.

Theo ông Đinh Quang Hinh, thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh (+18,1% so với cùng kỳ) và chi ngân sách tăng chậm tạo ra nhiều dư địa để thúc đẩy chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng trong thời gian tới. Cụ thể: Chính phủ đã đẩy mạnh giải ngân gói kích thích kinh tế, bao gồm giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2%, gói cấp bù lãi suất bổ sung trị giá 40.000 tỷ đồng, gói đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 113.050 tỷ đồng. Ngoài ra, Chính phủ đã quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường và thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng xăng dầu nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhìn chung, chuyên gia của VNDirect giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 ở mức 7,1% so với cùng kỳ (+/- 0,3%).

Còn theo các chuyên gia của SSI Research, với mục tiêu tăng trưởng năm 2022 vẫn đang được duy trì, nên chính sách vĩ mô trong giai đoạn cuối năm nay là sự kết hợp giữa chính sách tài khóa mở rộng (khi Chương trình phục hồi và phát triển – sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2022 - 2023) và chính sách tiền tệ thận trọng hơn.

Năm 2022 có thể là năm khó khăn nhưng cũng mở ra “cơ hội lớn” trong năm 2023, bởi định giá thị trường đã ở mức hấp dẫn. Các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cho rằng: Đây sẽ là “cơ hội lớn” cho mục tiêu đầu tư dài hạn 2023 - 2024 trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam có thể chống chịu tốt trước sức ép tăng lãi suất của FED, lạm phát và tiếp tục duy trì tăng trưởng.

Theo đơn vị này, ngân hàng, bất động sản, vật liệu xây dựng, cảng biển và tiện ích là các nhóm ngành có mức định giá hấp dẫn so với mức bình quân 5 năm. Đây là các nhóm ngành kỳ vọng ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận tốt, đi kèm theo đó là mức định giá hấp dẫn so với mức trung vị 5 năm. Tâm điểm hướng đến của dòng tiền là các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản tốt, có câu chuyện riêng đi kèm yếu tố tăng trưởng lợi nhuận và bảng cân đối tài chính khỏe mạnh.

Minh Phương/Báo Tin tức
Chứng khoán thế giới giảm điểm do lo ngại lạm phát và suy thoái
Chứng khoán thế giới giảm điểm do lo ngại lạm phát và suy thoái

Trong phiên giao dịch 1/9, hầu hết các thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đều giảm điểm, trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại lạm phát, suy thoái và việc có thêm một thành phố lớn khác của Trung Quốc bị phong tỏa để phòng dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN