Kết thúc phiên chiều 5/7, VN-Index giảm 14,24 điểm (-1,19%), xuống 1.181,29 điểm với 120 mã tăng nhưng có tới 347 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 612 triệu đơn vị, giá trị 13.806,6 tỷ đồng, tăng hơn 38% về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 52,2 triệu đơn vị, giá trị 1.4427,4 tỷ đồng.
Trong phiên chiều 5/7, phần lớn các bluechip giảm như: POW -3,7% xuống 13.000 đồng/cổ phiếu; GVR -3,6% xuống 21.600 đồng/cổ phiếu; MWG -3,4% xuống 65.500 đồng/cổ phiếu; VJC -2,9% xuống 125.900 đồng/cổ phiếu; VNM -2,7% xuống 73.100 đồng/cổ phiếu; SSI -2,5% xuống 19.700 đồng/cổ phiếu; VRE -1,9%, SAB -1,8%...
Một số cổ phiếu ngân hàng tăng như: TCB +3,9% lên 37.750 đồng/cổ phiếu; BID +3,6% lên 36.300 đồng/cổ phiếu; MBB +3,5% lên 25.450 đồng/cổ phiếu; STB +3,1% lên 23.050 đồng/cổ phiếu: Ngoài ra có ACB, HDB CTG, SHB, MSB, VPB nhích nhẹ trên dưới 1%.
Tại sàn Thành phố Hồ Chí Minh trong phiên chiều 5/7 có 5 cổ phiếu có khối lượng giao dịch nhiều nhất là STB (hơn 30,04 triệu đơn vị), VND (hơn 24,64 triệu đơn vị), FLC (hơn 23,50 triệu đơn vị), POW (hơn 21,07 triệu đơn vị), HAG (hơn 20,34 triệu đơn vị); Năm cổ phiếu tăng giá nhiều nhất là TNC (6,89%), ROS (6,86%), LCM (6,80%), TDP (6,74%), PTC (6,62%); Năm cổ phiếu giảm giá nhiều nhất là DCM (-11,25%), VID (-10,58%), LAF (-7,00%), HAH (-7,00%), VHC (-6,98%).
Tại sàn Hà Nội, trong phiên chiều 5/7, HNX-Index đóng cửa tại mức 277,94 điểm, giảm 3,25 điểm (-1,16%). Thanh khoản đạt tổng cộng hơn 75,47 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, giá trị giao dịch tương ứng đạt hơn 1.333,74 tỷ đồng. Toàn sàn có 55 mã tăng, 46 mã đứng giá và 159 mã giảm giá.
Đề cập về tình hình thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam không mấy khởi sắc, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đông Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đánh giá: Những ảnh hưởng của TTCK thế giới tác động tới TTCK Việt Nam là không nhỏ, trong đó bao gồm chiến sự Nga – Ukraine; chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước bắt đầu thu hẹp. Điều này tác động lan toả tới mặt bằng lãi suất, tỷ giá và chứng khoán, dẫn đến hiện tượng dịch chuyển kênh đầu tư, tài sản đến khu vực an toàn hơn.
“Trong khó khăn, thách thức, vẫn có nhiều cơ hội khi kinh tế phục hồi, lạm phát cơ bản được kiểm soát và đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, thể chế pháp luật hoàn thiện ở mức độ tốt hơn”, TS. Cấn Văn Lực kỳ vọng.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính đưa ra khuyến nghị: Đây là lúc nên chọn “ngủ yên” hơn “ăn ngon” với những chiến lược đầu tư mang tính phòng vệ hơn là tìm lợi nhuận cao với rủi ro cao. Nhà đầu tư nên đi tìm những mã cổ phiếu có sự ổn định, lịch sử giao dịch lâu năm và của các doanh nghiệp lớn, có uy tín và tình hình tài chính ổn định. Đặc biệt, nhà đầu tư phải có điểm cắt lỗ, chốt lời và thực hiện các giao dịch một cách chặt chẽ theo một chiến lược đã xây dựng.