Văn bản ngày 3/12 của Bộ trưởng Bộ Tài chính gửi UBCK, Vụ Tài chính ngân hàng, Thanh tra Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam nhấn mạnh: Thời gian qua, việc phát hành TPDN, đặc biệt phát hành TPDN không có tài sản đảm bảo của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ gây hậu quả cho nền kinh tế.
Để đảm bảo thị trường TPDN trở thành kênh huy động vốn quan trọng, hiệu quả và hạn chế tối đa rủi ro cho nhà đầu tư, Bộ Tài chính yêu cầu UBCK đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, khẩn trưởng xử lý nghiêm và báo cáo Bộ Tài chính kết quả kiểm tra để xử lý. Trường hợp xác định có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư, khẩn trương chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật; tiếp tục phối hợp với các đơn vị và các cơ quan liên quan kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành TPDN phát hành với quy mô lớn so với vốn tự có, phát hành không có tài sản đảm bảo và phát hành nhiều đợt.
Bộ Tài chính đang đẩy nhanh việc ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo trách nhiệm được giao tại Nghị định số 153 năm 2020; đồng thời chỉ đạo ngành Chứng khoán hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành hệ thống giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ.
Ngoài chỉ đạo UBCK, Bộ trưởng Bộ Tài chính còn giao Vụ Tài chính ngân hàng và các cơ quan liên quan tập trung phối hợp với UBCK hoàn thiện pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp; triển khai công tác tuyên truyền về pháp luật và cảnh báo các rủi ro trên thị trường TPDN đến nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành và các đối tượng tham gia thị trường...
Trước đó, Bộ Tài chính cũng khuyến cáo nhà đầu tư hết sức thận trọng đánh giá kỹ về các rủi ro trước khi quyết định mua trái phiếu doanh nghiệp. Không mua TPDN thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại) khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, điểm mới trong tháng 10/2021, nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng đã vươn lên vị trí thứ 2, sau nhóm bất động sản về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trong tháng 10/2021, tổng giá trị phát phát hành của các doanh nghiệp nhóm hàng tiêu dùng là 7.284 tỷ đồng, chiếm 21% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng; nhóm bất động sản vẫn đứng đầu với giá trị phát hành là 15.556 tỷ đồng, chiếm 45% tổng giá trị phát hành. Các doanh nghiệp đã phát hành ra công chúng gồm: Công ty cổ phần Glexhomes, Công ty cổ phần điện Gia Lai, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Vinhomes...
Một báo cáo mới được công bố bởi Công ty FiinGroup cho thấy, quy mô giá trị phát hành trái phiếu sơ cấp trong 9 tháng năm 2021 đạt 430 nghìn tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm trước mặc dù có giai đoạn trì hoãn lại sau khi Nghị định 153 và 155 đi vào hiệu lực.
Theo FiinGroup, ngành Xây dựng và Bất động sản vẫn duy trì mức lãi suất phát hành cao với lãi suất trung bình lần lượt là 10,3% và 10,7%/năm. Đáng chú ý, có tới 26% TPDN phát hành trong các ngành này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm bằng cổ phần hoặc không được thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập và điều này gây nên những nghi ngại về rủi ro vỡ nợ không kiểm soát được trong thị trường TPDN.