Trái phiếu doanh nghiệp hàng tiêu dùng vươn lên vị trí thứ 2

Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, điểm mới trong tháng 10/2021, nhóm doanh nghiệp hàng tiêu dùng đã vươn lên vị trí thứ 2, sau nhóm bất động sản về phát hành trái phiếu doanh nghiệp. 

Chú thích ảnh
Vượt nhóm ngân hàng, chỉ đứng sau nhóm bất động sản, doanh nghiệp hàng tiêu dùng gây sự chú ý trong phát hành trái phiếu.

Cụ thể, tháng 10/2021: Tổng giá trị phát phát hành của các doanh nghiệp nhóm hàng tiêu dùng là 7.284 tỷ đồng, chiếm 21% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong tháng; nhóm bất động sản vẫn đứng đầu với giá trị phát hành là 15.556 tỷ đồng, chiếm 45% tổng giá trị phát hành.

Trong tháng 10/2021, có 42 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước và 4 đợt phát hành ra công chúng với tổng giá trị là 34.576 tỷ đồng. Các doanh nghiệp đã phát hành ra công chúng gồm: Công ty cổ phần Glexhomes, Công ty cổ phần điện Gia Lai, Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Vinhomes.

Trước đó, đại diện Vụ Tài chính ngân hàng (Bộ Tài chính) cho biết: Sau 9 tháng triển khai quy định mới chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ tăng, đạt 357.000 tỷ đồng (tăng 5,6% so với cùng kỳ năm 2020); khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng là 17.375 tỉ đồng (giảm 14% so với cùng kỳ năm 2020).

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, tổ chức tín dụng có khối lượng phát hành lớn nhất chiếm 37,3%, các doanh nghiệp bất động sản chiếm 31,1%. Tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp mua sơ cấp trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giảm mạnh so với năm 2020 (mua 5,5% khối lượng phát hành trong 9 tháng năm 2021 trong khi cả năm 2020 là 12,7%).

Tuy nhiên, đại diện Vụ Tài chính ngân hàng cho biết: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn một số vấn đề như: Phần lớn tài sản đảm bảo của trái phiếu là bất động sản, dự án hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu doanh nghiệp, giá trị của tài sản đảm bảo chịu ảnh hưởng diễn biến của thị trường; một số trường hợp chưa tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; có doanh nghiệp phát hành với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Nhằm hạn chế rủi ro và tăng cường quản lý giám sát thị trường trái phiếu doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước triển khai đoàn kiểm tra tại 10 công ty chứng khoán về tình hình cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ kiểm tra một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu lớn; phát hành trái phiếu không có tài sản đảm bảo và tình hình tài chính yếu kém; đề nghị Ngân hàng Nhà nước thanh tra, giám sát việc tổ chức tín dụng huy động vốn từ phát hành trái phiếu và phối hợp chia sẻ thông tin kết quả kiểm tra, giám sát.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi với dự thảo Thông tư về tổ chức giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trên hệ thống giao dịch chứng khoán của Sở Giao dịch chứng khoán theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 153/2020/NĐ-CP.

Chính sách được kỳ vọng quyền lợi của nhà đầu tư sẽ được chú trọng bảo vệ đúng mức khi tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp trên Sở giao dịch, trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua phát triển "nóng", tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Theo đó, về phía các doanh nghiệp phát hành, tiêu chuẩn được giao dịch tại Sở giao dịch là phải có vốn điều lệ trên 30 tỷ đồng theo báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán; đồng thời, sức khoẻ tài chính của doanh nghiệp phát hành phải được đảm bảo tốt, kinh doanh có lãi. Những doanh nghiệp phát hành có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán sẽ không được phép đưa trái phiếu phát hành riêng lẻ lên sở giao dịch.

Trường hợp doanh nghiệp phát hành là công ty mẹ, vốn điều lệ và kết quả kinh doanh được xác định trên báo cáo tài chính hợp nhất. Trường hợp doanh nghiệp phát hành là đơn vị kế toán cấp trên có các đơn vị trực thuộc tổ chức bộ máy kế toán riêng, vốn điều lệ và kết quả kinh doanh được xác định trên báo cáo tài chính tổng hợp Điểm đáng chú ý, trái phiếu của công ty không phải công ty đại chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo đảm thanh toán toàn bộ gốc, lãi khi đến hạn. Ngoài ra, trái phiếu sẽ bị huỷ giao dịch nếu như đến thời gian đáo hạn hoặc trái phiếu giao dịch trên hệ thống được tổ chức phát hành mua lại toàn bộ trước thời gian đáo hạn.

Đề cập tới vấn đề này, chuyên gia kinh tế, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cho biết: Trái phiếu doanh nghiệp muốn giao dịch trên hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của Sở Giao dịch chứng khoán sẽ phải tuân thủ theo những tiêu thức khắt khe hơn, khiến nhà đầu tư cảm thấy an tâm hơn khi giao dịch trên sàn. Theo đó, doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng hàng loạt yêu cầu về vốn, báo cáo tài chính có kiểm toán, có tài sản đảm bảo. Như vậy, doanh nghiệp tự nâng tầm, công khai minh bạch rõ ràng với nhà đầu tư.

“Đối với những trái phiếu phát hành dưới chuẩn, những doanh nghiệp không muốn phát hành trên sàn vẫn có thể giao dịch trên thị trường phi chính thức. Nhà đầu tư sẽ nhận thấy rõ, mua bán theo hình thức này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể mất vốn sẽ rất cảnh giác. Nhà phát hành tại thị trường phi tập trung cũng huy động vốn rất khó”, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết.

 

Tin, ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Chứng khoán đỏ sàn sau phiên 'bùng nổ' thanh khoản
Chứng khoán đỏ sàn sau phiên 'bùng nổ' thanh khoản

Nếu như giữa phiên sáng 4/11, thị trường chứng khoán có thời điểm đạt mức 1.450 điểm nhờ nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng; nhưng cuối phiên, do áp lực bán của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tăng đã khiến VN-Index giảm 1,47 điểm (-0,10%), xuống 1.442,83 điểm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN