Nhóm nghiên cứu do ông Masashi Yanagisawa, Giám đốc Viện Y học Quốc tế về Giấc ngủ tích hợp thuộc Đại học Tsukuba, đứng đầu đã tập trung nghiên cứu một loại enzyme trong não có tên là SIK3 - được cho là đóng vai trò chính trong chức năng của não để điều chỉnh độ sâu và độ dài của giấc ngủ. Tuy nhiên, họ vẫn chưa xác định được cơ chế hoạt động của SIK3.
Trong công trình nghiên cứu này, các nhà khoa học đã biến đổi gene của chuột thí nghiệm. Họ nhận thấy SIK3 tương tác với 2 loại enzyme khác và tác động đến các mô hình giấc ngủ thông qua các phản ứng dây chuyền. Các phản ứng dây chuyền này quy định chất lượng (độ sâu) của giấc ngủ trong vỏ não và độ dài của giấc ngủ trong vùng dưới đồi - một bộ phận nhỏ nằm sâu trong não giúp duy trì sự cân bằng bên trong cơ thể. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng giấc ngủ không chỉ được kiểm soát bởi các phản ứng dây chuyền đó mà còn bởi các cơ chế phức tạp hơn. Mặc dù vậy, các nhà khoa học Nhật Bản hy vọng dựa trên SIK3, họ sẽ bào chế được một chất giúp chữa trị tốt hơn chứng rối loạn giấc ngủ.