Nước đỗ đen rang không hề thích hợp với trẻ dưới 2 tuổi. |
Theo đông y, nhân trần có tác dụng tăng bài tiết mật, chống viêm, nhất là với các bệnh về gan mật. Còn đỗ đen có tác dụng bổ thận thủy, bổ can, thanh nhiệt giải độc, lợi niệu, bổ huyết giải phong nhiệt. Đặc biệt, nước đậu đen có tác dụng điều trị đối với thận yếu, mặt sưng phù, phong thấp tê liệt, thấp khớp hoặc các bệnh lở loét.
Vậy nên, lâu nay, trong những ngày nắng nóng, nhiều bà mẹ đã đun sẵn nước nhân trần, thậm chí còn cẩn thận rang chín đỗ đen rồi hãm nước để cho cả trẻ nhỏ dưới 2 tuổi uống, những mong giúp bé giải nhiệt, ăn uống ngon miệng hơn.
Tuy nhiên, theo TS.BS Phan Bích Nga, Giám đốc Trung tâm Khám, tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng, nước nhân trần hoàn toàn không thích hợp với trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 2 tuổi. Trong nước nhân trần có thành phần về oxi hóa khử, tốt cho việc chống lão hóa, bổ gan nhưng các cháu nhỏ đa phần chưa có vấn đề gì về gan, ngoại trừ những bé có bố mẹ tiền sử viêm gan B.
“Nếu trẻ có vấn đề về gan thì mẹ có thể con uống nhân trần nhưng cũng ở mức ít, không được uống cả ngày vì cái gì quá độ đều không tốt. Hơn nữa, nhân trần cũng không cung cấp nhiều năng lượng, uống nhiều trẻ dễ bị thiếu năng lượng khẩu phần dẫn, dễ dẫn tới tình trạng suy dinh dưỡng”, TS.BS Phan Bích Nga khuyến cáo.
Với nước đỗ đen rang, chuyên gia dinh dưỡng cũng đưa ra lời khuyến cáo cũng tương tự vì trong đồ uống này chứa thành phần làm ức chế sự hấp thu dinh dưỡng của cơ thể. Trong khi, với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi nhu cầu dinh dưỡng rất cao nên các bậc cha mẹ cũng không nên cho trẻ nhỏ uống nước đỗ đen hàng ngày.
Trao đổi về phương pháp giải nhiệt nêu trên, chuyên gia đông y cũng khuyến cáo, các loại đồ uống thanh nhiệt như nhân trần, nước đậu đen… thường chỉ tốt cho người lớn. Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi không nên sử dụng hàng ngày, các cháu cần được ăn, uống những thực phẩm nhiều năng lượng hơn.
Đặc biệt, trẻ dưới 1 tuổi lại càng cần thận trọng với đồ uống mát, có tính giải nhiệt cao như nhân trần, đỗ đen… Ở độ tuổi này, chức năng tiêu hóa của trẻ không ổn định, khả năng hấp thụ cũng kém hơn, nếu uống nhiều nước mát, nhẹ thì sẽ dẫn đến rối loạn tiêu hóa gây chướng bụng, tiêu chảy, chán ăn, nặng hơn thì có thể gây ra một số bệnh về đường ruột.