Nhóm bác sĩ đã tiến hành cuộc phẫu thuật - một phần trong cuộc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn đầu để đánh giá độ an toàn và hiệu quả của việc cấy ghép tai cho những người bị dị tật tai nhỏ bẩm sinh (microtia). AuriNovo, tên của mô cấy, được công ty 3DBio Therapeutics phát triển. Cuộc phẫu thuật do ông Arturo Bonilla, người thành lập kiêm Giám đốc Viện nghiên cứu Dị tật tai bẩm sinh ở bang Texas, chỉ đạo.
Cụ thể, quy trình được thực hiện bằng cách quét hình ảnh 3D của một tai phát triển bình thường của bệnh nhân, lấy các tế bào sụn từ tai của họ, rồi nuôi cấy để thu được một lượng vừa đủ. Những tế bào này được trộn với một loại mực sinh học gốc collagen, được tạo hình thành tai ngoài với sự hỗ trợ của một lớp vỏ in 3D phân hủy sinh học. Tai cấy ghép sẽ phát triển dần theo thời gian với hình dáng cũng như chức năng như tai bình thường.
Cuộc thử nghiệm lâm sàng dự kiến được thực hiện ở tổng cộng 11 bệnh nhân và đang được tiến hành tại hai bang California và Texas. Bác sĩ phẫu thuật, Tiến sĩ Bonilla cho biết AuriNovo là phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn hơn so với kỹ thuật cấy ghép sụn sườn và tạo ra bộ phận linh hoạt hơn.
Hiện các bệnh nhân mắc dị tật tai nhỏ bẩm sinh được tạo hình tai thay thế bằng việc ghép sụn từ xương sườn của bệnh nhân hoặc sử dụng vật liệu tổng hợp (polyethylene xốp - PPE) để tái tạo tai ngoài.
Theo Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, trong số 2.000 – 10.000 trẻ sơ sinh có 1 trẻ mắc dị tật tai nhỏ. Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bao gồm tiểu đường thai kỳ hay chế độ ăn uống thiếu carbohydrate và axit folic của thai phụ. Nếu không có vấn đề gì khác về sức khỏe, những đứa trẻ này có thể phát triển bình thường. Nhưng một số trẻ cảm thấy khó khăn và trở nên tự ti khi mắc dị tật này.
Trong tương lai, công ty 3DBio có kế hoạch phát triển những mô cấy cho những trường hợp dị tật tai nhỏ nghiêm trọng hơn. Ban đầu, công ty dự kiến chú trọng vào lĩnh vực chỉnh hình và tái tạo sụn, sau đó sẽ mở rộng sang lĩnh vực thần kinh và hệ cơ quan.