Để đưa ra kết luận trên, nhóm chuyên gia tại Trường Y khoa Curtin và Viện nghiên cứu Curtin enAble thuộc Đại học Curtin đã theo dõi lịch sử vận động thể chất hằng ngày của gần 90 bệnh nhân mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối và không thể phẫu thuật.
Dựa trên dữ liệu này, các chuyên gia so sánh tỷ lệ tử vong của bệnh nhân sau 12 tháng kể từ thời điểm được chẩn đoán. Kết quả cho thấy những người dành trung bình hơn 4,6 phút mỗi ngày để vận động thể chất cường độ từ trung bình đến mạnh (chẳng hạn như đi bộ) có nguy cơ tử vong thấp hơn 60% so với những người ít vận động hơn hoặc hầu như không vận động.
Trưởng nhóm nghiên cứu - Phó Giáo sư Vin Cavalheri, nhận định phát hiện này có thể mở ra hướng điều trị mới cho những người mắc bệnh ung thư phổi không thể phẫu thuật, đặc biệt là ở giai đoạn sớm. Ông cũng cho biết: “Mối liên hệ giữa mức độ hoạt động thể chất cao hơn và tỷ lệ tử vong thấp hơn củng cố những kết quả nghiên cứu trước đây ở người trưởng thành nói chung và những người được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính nói riêng. Nếu mối liên hệ này được xác nhận, các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng ở những người mắc bệnh ung thư phổi không thể phẫu thuật sẽ được tiến hành, với các biện pháp can thiệp được thiết kế để cải thiện mức độ hoạt động thể chất”.
Phẫu thuật thường không được chỉ định đối với những bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn cuối có các dấu hiệu như di căn xa, tràn dịch màng phổi, hội chứng Horners, liệt dây thanh âm, liệt dây thần kinh hoành và hội chứng chèn ép tĩnh mạch chủ trên.