PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Thời tiết mùa đông không khí hanh khô, ban ngày nắng nóng, oi bức, nhưng tối và đêm thì lại lạnh, nhiệt độ giảm sâu. Nhất là những đợt rét đột ngột, trẻ em với hệ miễn dịch yếu sẽ không kịp thích nghi, dễ mắc các bệnh như: Cảm cúm, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi... Tuy nhiên, nếu cha mẹ biết cách chăm sóc, trẻ sẽ giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh.
Theo đó, cha mẹ cần chú ý giữ ấm cho trẻ theo các cách sau để phòng bệnh:
- Trẻ cần được mặc ấm vừa đủ, quan trọng nhất là cần phải giữ ấm là cổ và tai. Cha mẹ cho con đi học nên mặc ấm và nhiều lớp áo để khi trẻ đến trường có thể dễ dàng cởi bỏ bớt nếu thấy nóng bức, tránh để trẻ ra mồ hôi. Khi trẻ ở nhà, nếu thấy trẻ nóng, cha mẹ cũng chú ý cởi bỏ bớt áo ấm, lau mồ hôi cho trẻ, mặc thoáng để trẻ không bị ra mồ hôi, thấm ngược vào cơ thể gây bệnh.
- Cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ra ngoài trời lạnh, nếu bắt buộc phải ra ngoài, phải cho trẻ mặc ấm, tránh gió thổi trực tiếp vào người. Tránh cho trẻ đến nơi đông người, không thoáng khí.
- Cha mẹ không để trẻ bị lạnh đột ngột, nếu đi ra ngoài lạnh cần mở cửa từ từ để trẻ thích nghi dần với nhiệt độ môi trường trước khi ra ngoài, tránh sốc nhiệt.
- Trẻ vẫn phải tắm rửa, vệ sinh cơ thể sạch sẽ trong mùa đông nhưng không nên tắm kéo dài quá 10 phút; không nhất thiết phải tắm hàng ngày, chỉ cần tắm 2- 3 lần/tuần, hàng ngày cha mẹ lau rửa và thay quần áo sạch sẽ cho trẻ.
- Cha mẹ có thể phòng bệnh đường hô hấp cho trẻ bằng dùng nước muối ấm nhỏ vào mũi và cho trẻ súc miệng hàng ngày.
- Trẻ cần được ăn uống đủ chất để tăng cường dinh dưỡng, tăng cường miễn dịch. Có thể cho trẻ ăn nhiều rau xanh, hoa quả giàu vitamin C, các thực phẩm từ sữa, trứng...
- Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu phòng bệnh cho trẻ với các bệnh đã có vắc xin, trẻ cần được tiêm đầy đủ và đúng lịch các mũi phòng bệnh như: Cúm, sởi, ho gà, viêm phổi do phế cầu...