Gia tăng bệnh nhi mắc viêm phổi và viêm đường hô hấp tại Lào Cai

Số lượng bệnh nhi mắc các bệnh viêm đường hô hấp, đặc biệt là viêm phổi đột ngột tăng cao tại Lào Cai trong vòng 2 tuần trở lại đây.

Chú thích ảnh
Bệnh nhi đến khám tại bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Lào Cai tăng cao trong những ngày qua. Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN

Phó Giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai, bác sỹ chuyên khoa II Trần Quốc Khánh cho biết, số trẻ đến khám tại Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai trong những ngày qua luôn ở mức trung bình từ 150 - 200 bệnh nhân/ngày, chủ yếu là các bệnh hô hấp, đặc biệt là viêm phổi.

Ghi nhận tại thời điểm sáng 11/11, Khoa Nhi của bệnh viện có hơn 200 bệnh nhân nội trú, trong đó bệnh về hô hấp và viêm phổi chiếm đến 80%, gấp 2 lần so với ngày thường. Lượng bệnh nhi đông, do vậy, Khoa Nhi phải kê thêm 20 giường bệnh, mặc dù so với số giường kế hoạch, số giường thực kê tại đây đã gần gấp đôi với 110 giường bệnh. Khoa được tăng cường thêm bác sỹ và điều dưỡng phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai đã bố trí chuyển một số bệnh nhi điều trị nội trú đến các khoa khác để nằm điều trị. Các bác sỹ, điều dưỡng Khoa Nhi phải phân bổ để đến điều trị, chăm sóc cho trẻ.

Bên cạnh việc chú trọng chất lượng điều trị cho trẻ, Bệnh viện Sản - Nhi Lào Cai đang nỗ lực thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm “chéo” như: lọc bệnh, phân chia phòng bệnh hợp lý giữa các trường hợp tình trạng bệnh nặng, nhẹ; tăng cường đội ngũ nhân viên thực hiện vệ sinh thường xuyên sàn nhà, phòng bệnh; hướng dẫn cha, mẹ trẻ thực hiện các biện pháp phòng, chống lây nhiễm “chéo”, không dùng chung đồ dùng như cốc, chén, bát, giữ vệ sinh chung… 

Bác sỹ Trần Quốc Khánh cho biết, hiện tại, Phòng Hồi sức cấp cứu đang có 3 bệnh nhi viêm phổi suy hô hấp nặng do virus hợp bào hô hấp (virus RSV) gây nên phải thở máy được chăm sóc, điều trị đặc biệt. Viêm phổi suy hô hấp do virus hợp bào hô hấp là bệnh thường gặp vào mùa đông, thời điểm chuyển mùa, lây theo đường hô hấp. Các bệnh nhi được điều trị đặc biệt đa phần là bệnh nhân chuyển tuyến từ các huyện đến khi bệnh đã chuyển nặng.

Theo bác sỹ Trần Quốc Khánh, virus hợp bào hô hấp đi vào cơ thể qua đường mắt, mũi hay miệng, lây lan dễ dàng qua các dịch tiết đường hô hấp bị nhiễm virus như ho, hắt hơi, hay qua tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, hôn… Đối tượng dễ nhiễm virus đó là trẻ em dưới 6 tháng tuổi, sinh non, nhẹ cân, có sức đề kháng kém; trẻ tiếp xúc với khói thuốc thụ động; trẻ đi nhà trẻ, gia đình có anh, chị em bị nhiễm virus RSV hoặc người lớn tuổi mắc các bệnh lý nền… Một số trường hợp trẻ miễn dịch yếu nhiễm virus RSV có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm phổi và viêm tiểu phế quản; viêm tai giữa; hen suyễn hoặc một số biến chứng nghiêm trọng khác như suy hô hấp, xẹp phổi, tràn khí màng phổi, ứ khí phổi…

Để phòng, chống các bệnh viêm đường hô hấp trên như viêm mũi, họng, viêm amidan, ho và cảm lạnh; viêm đường hô hấp dưới như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi…, bác sỹ khuyến cáo, cha, mẹ cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân cho trẻ, cho con súc miệng nước muối hàng ngày, tránh để trẻ bị nhiễm lạnh và chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho con, tránh cho con đến những nơi đông người và tiếp xúc với nguồn bệnh.

Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu bị bệnh, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được bác sỹ khám, chẩn đoán và điều trị, không được tự ý sử dụng kháng sinh cho trẻ bởi sẽ dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh dẫn đến khó khăn trong công tác chẩn đoán và điều trị bệnh. Bên cạnh đó, để trẻ có đề kháng tốt với bệnh tật, cha mẹ cần chủ động đưa trẻ đến cơ sở y tế, điểm tiêm chủng dịch vụ để trẻ được tiêm các mũi vaccine phòng bệnh.

Hương Thu (TTXVN)
Đến ngày 31/1, Việt Nam có 5 ca mắc viêm phổi cấp do nCoV, 97 ca nghi nhiễm
Đến ngày 31/1, Việt Nam có 5 ca mắc viêm phổi cấp do nCoV, 97 ca nghi nhiễm

Tính đến cuối ngày 31/1, Việt Nam có 5 trường hợp được xác định dương tính với bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (nCoV) gây ra và 97 trường hợp nghi nhiễm bệnh đã được theo dõi, giám sát.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN