Càng chậm điều trị ung thư, nguy cơ tử vong càng cao

Ngày 4/11, các nhà khoa học Anh và Canada công bố một nghiên cứu cho thấy việc trì hoãn điều trị ung thư, dù chỉ 1 tháng, có thể làm gia tăng nguy cơ tử vong ở người mắc bệnh.

Lời cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây tác động mạnh đối với hệ thống y tế thế giới.

Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa BMJ, các nhà khoa học phát hiện ra rằng việc điều trị ung thư, gồm phẫu thuật, xạ trị hay các liệu pháp điều trị khác như hóa trị, đối với 7 loại ung thư phổ biến sẽ tác động đáng kể đến tỷ lệ người bệnh tử vong.

Để đi đến kết luận này, các nhà khoa học đã tính toán dựa trên phân tích của 34 nghiên cứu với dữ liệu điều trị các bệnh ung thư ruột, ung thư vú, ung thư ruột kết, ung thư trực tràng, ung thư phổi và ung thư cổ tử cung. Các chuyên gia nhận thấy nguy cơ tử vong tăng từ 6% - 8% đối với những bệnh nhân ung thư bị trì hoãn phẫu thuật trong 4 tuần. Thậm chí việc trì hoãn một số quy trình điều trị khác có tác động tiêu cực lớn hơn, ví dụ như việc lùi lịch xạ trị ở bệnh nhân ung thư trực tràng trong 4 tuần có thể khiến nguy cơ tử vong tăng thêm 13%.

Theo các nhà nghiên cứu, việc chậm điều trị ung thư dù chỉ 1 tháng có thể khiến nguy cơ người bệnh tử vong tăng từ 6% đến 13%, và càng chậm trễ bao nhiêu thì nguy cơ tử vong càng cao. Nghiên cứu nhận định đối với phần lớn các bệnh ung thư, việc trì hoãn điều trị là không an toàn.

Bác sĩ Ajay Aggarwal, đồng tác giả công trình nghiên cứu và là trợ giảng tại Trường Y khoa Nhiệt đới và Vệ sinh London, nhận định từ trước tới nay chưa có nghiên cứu nào mang tính hệ thống về hệ lụy của việc trì hoãn điều trị các bệnh ung thư đối với bệnh tình của bệnh nhân. Ông cho biết trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành hiện nay, các bệnh nhân ung thư phải đối mặt với nguy cơ bị trì hoãn điều trị.

Theo ước tính của các nhà khoa học, việc lùi lịch phẫu thuật trong 12 tuần đối với các bệnh nhân ung thư vú, ví dụ trong thời gian phong tỏa do dịch COVID-19 và khoảng thời gian lên tới 1 năm sau đó, sẽ làm gia tăng số các ca tử vong tại Anh là 1.400 ca, tại Mỹ là 6.100 ca, tại Canada là 700 trường hợp và Australia là 500 ca. 

Nhiều bệnh viện có lượng lớn bệnh nhân COVID-19 đã buộc phải dời lịch điều trị đối với các trường hợp bệnh không khẩn cấp. Tại Anh, các nhà nghiên cứu cho biết một số cơ sở y tế đã lùi lịch phẫu thuật từ 10 đến 12 tuần đối với một số trường hợp ung thư được xác định ở ngưỡng an toàn, trong đó gồm tất cả bệnh nhân ung thư trực tràng. Theo ông Aggarwal, nghiên cứu này trên thực tế đã chỉ ra rằng việc trì hoãn điều trị ung thư trong khoảng thời gian trên có thể gia tăng nguy cơ tử vong sớm tới gần 20%. Trong khi đó, cũng với khoảng thời gian trì hoãn trên, tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân ung thư ruột sẽ tăng 44%.

Nhận định về công trình nghiên cứu trên, Giáo sư Justin Stebbing nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc đảm bảo cân bằng trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19 với những bệnh nhân ung thư.

Thanh Hương (TTXVN)
8 nguy cơ gây ung thư vú
8 nguy cơ gây ung thư vú

Một số yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú mà chị em phụ nữ cần chú ý là: Tuổi tác, có tiền sử gia đình mắc bệnh, sử dụng hormone kết hợp điều trị các triệu chứng mãn kinh...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN