Hy vọng mới cho bệnh nhân ung thư vú

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, các nhà nghiên cứu tại Đại học Nam Australia vừa phát hiện ra phân tử protein ZCCHC24 làm thay đổi cấu trúc của tế bào ung thư vú và đây là yếu tố khiến tình trạng sức khỏe của bệnh nhân trở nên trầm trọng.

Trưởng nhóm nghiên cứu, Phó Giáo sư Philip Gregory, cho biết ông và các cộng sự đã đi sâu nghiên cứu các tế bào ung thư riêng lẻ và cố gắng tìm ra nguyên nhân khiến các tế bào này chuyển từ lành tính sang ác tính. Qua đó, nhóm nghiên cứu nhận thấy phân tử ZCCHC24 hoạt động mạnh trong các tế bào ung thư "hung hăng nhất". Dựa theo hướng ngăn chặn hoạt động của phân tử này, nhóm nghiên cứu phát hiện các tế bào hoàn toàn thay đổi và "trở nên ít hung hăng hơn nhiều”.

Phó Giáo sư Philip Gregory nhấn mạnh việc hiểu được cách thức hoạt động của phân tử protein ZCCHC24 có thể giúp ngăn chặn các tế bào ung thư vú lan sang các bộ phận khác của cơ thể, cũng như cung cấp căn cứ giúp giới chuyên môn đưa ra các phương pháp điều trị mới.

Giám đốc điều hành Hội đồng Ung thư Nam Australia, ông Lincoln Size, nhận định phát hiện mới nói trên có thể làm thay đổi phương pháp điều trị ung thư vú trong tương lai, mở ra hy vọng cho hàng nghìn bệnh nhân.

Ung thư vú ở phụ nữ là loại ung thư phổ biến nhất trên thế giới. Đây cũng là bệnh gây tử vong cao thứ hai ở Australia và giới chuyên gia dự báo sẽ có gần 20.000 trường hợp mắc bệnh này được phát hiện trong năm nay. 

Vào ngày 28/8 hằng năm Australia tổ chức các hoạt động quyên góp tiền cho các dự án nghiên cứu bệnh ung thư trên cả nước.

Nguyễn Minh (TTXVN)
Phương pháp điều trị nhân văn giúp giảm tự ti cho bệnh nhân ung thư vú
Phương pháp điều trị nhân văn giúp giảm tự ti cho bệnh nhân ung thư vú

Ngày 26/5, tại Cần Thơ, Bệnh viện Ung Bướu thành phố Cần Thơ giới thiệu mô hình "Tái tạo hình vú tức thì bằng vạt da cơ lưng rộng trong điều trị ung thư tuyến vú".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN