Dân dã món chè đậu

Khi cái nắng mùa hè oi ả trải dài trên triền đê con sông đào thì cũng là lúc quê tôi bước vào mùa thu hái đậu đỗ. Mùa đậu đỗ thường bắt đầu được gieo trồng vào dịp đầu tháng Giêng lây phây mưa bụi, và qua khoảng vài tháng là đậu đỗ ra hoa, kết trái.

Thêm một khoảng một tháng nữa là mùa thu hái đậu đỗ kết thúc. Nói chung là cứ đến mùa hè hàng năm là tới mùa đậu đỗ. Trẻ con chính là những đối tượng mong mỏi màu đậu đỗ nhất, bởi đứa nào đứa nấy đều được thỏa thích ăn món chè đậu ngọt lừ.

Quê tôi là một vùng đồng bằng phì nhiêu, ruộng đất rộng rãi nên hộ gia đình nào cũng được chia một diện tích khá lớn. Nhà tôi đông nhân khẩu nên có tới hơn mẫu đất đâi để vừa cấy lúa, vừa trồng rau màu. Những vạt đất cao là nơi mẹ tôi vẫn trồng lạc (đậu phộng), đậu tương và đậu đỗ. Khoảng diện tích đậu đỗ các loại khi nào cũng chiếm tới vài ba sào, vì vậy mà hễ bước vào mùa thu hái đậu đỗ là cả gia đình tôi đều bận rộn khi ngày nào cũng phải ra đồng hái đậu mang về phơi nắng, rồi đập tách lấy hạt. Những ruộng đậu của mỗi buổi sớm mai vào mùa thu hái luôn rộn rã tiếng cười nói của hàng trăm người dân làng đi hái quả. Bọn trẻ con trong làng chúng tôi cũng tung tăng theo cha mẹ ra đồng để hái đậu. Chúng tôi người nhỏ, sức yếu nên thường chỉ phụ giúp cha mẹ mang bao, nhặt nhạnh các quả đậu bị rơi vãi.

Vào mùa đậu đỗ thường là ngày nào các gia đình ở quê tôi cũng nấu món chè đậu. Các loại đậu như: đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng thu hái được thường tương ứng với các món chè đậu khác nhau. Đậu đỗ vừa thu hái được còn tươi mới, bở bột, vì vậy khi bỏ vào xoong nấu rất nhanh nhừ, chỉ độ non nửa tiếng ninh trên bếp lửa là đã có thể ăn được rồi. Chè đậu rất dễ nấu khi chỉ bỏ đậu, nêm nước rồi đun sôi sùng sục trên lửa cho tới khi những hạt đậu mềm nhừ ra thì lúc đó mới bỏ đường vào.

Từ lúc bỏ đường vào chỉ đun thêm khoảng mươi phút cho các hạt đậu ngấm vị ngọt là được. Chè đậu nấu càng nhừ càng ngon, ngọt, nhưng để nấu đúng kỹ thuật và được xem là khéo thì không phải ai cũng làm được, mà phải có bí quyết riêng. Chẳng hạn, nếu muốn để các hạt đậu không bị nát mà vẫn mềm, vẫn ngấm đường ngọt ngào thì khi ninh đậu đến độ bắt đầu chín nhừ người ta phải vớt hạt đậu ra một cái xoong riêng rồi bỏ đường kính vào xào cho săn lại. Việc xào đậu với đường như vậy có tác dụng làm cho các hạt đậu không bị vỡ nát, và hơn nữa nó sẽ ngấm đường vào sâu khiến các hạt đậu càng đậm đà vị ngọt. Khi xào đậu với đường xong, lúc ăn ta chỉ cần dùng muôi múc một chút hạt đậu vào bát, cốc rồi chan thêm chút nước đậu. Khi xưa ở quê thì hầu như chẳng nhà nào có tủ lạnh làm đá, mà muốn có đá lạnh để ăn kèm với chè đậu chỉ có cách là đi mua. Việc mua đá lạnh nhiều khi cũng không dễ, vì vậy mà cách ăn chè đậu thường đơn giản là nấu xong, để nguội rồi ăn...

Bây giờ, ở thành phố, các thứ gia vị để nêm thêm vào món chè đậu khá phong phú, như: chân châu, thạch, dừa khô, dừa nạo sợi, đậu phộng rang rồi giã nhỏ, dầu chuối... Còn món chè đậu nơi thôn quê dân dã của những ngày xưa đói kém, thiếu thốn thì chỉ đậu và đường đã là quá tuyệt vời, quá ngon. Đậu ninh nhừ với đường trong xoong to tướng, và dưới cái nắng oi nồng, mồ hôi chảy nhễ nhại mà cả gia đình ngồi quây quần quanh, múc mỗi người một bát thưởng thức thì không có gì thú bằng! Ngày nay, xa quê lên thành phố học tập rồi ở lại lập nghiệp, khu phố tôi sống cũng có rất nhiều các hàng quán bán chè đậu. Không hiểu sao tôi vẫn nao lòng thèm muốn được thưởng thức món chè đậu mộc mạc dân dã của mẹ nấu nơi quê nhà, mặc dù nó chỉ có đường và đậu mà thôi. Phải chăng dư vị của những bát chè đậu ngày xưa ngon hơn là vì nó thấm đượm hồn quê hương trong đó.
Trịnh Viết Hiệp
Thanh âm mùa hạ
Thanh âm mùa hạ

Bạn có nghe thanh âm mùa hạ? Mùa hạ thì thầm bằng lời của mưa, của ve, của cuốc, của diều, của nắng và của trái tim thao thức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN