Cơm độn hết khoai lang tươi lại đến khoai khô mà cũng chẳng được ăn no. Nhìn đàn con trứng gà trứng vịt quanh năm thèm cơm, mẹ tôi xa xót lắm. Vì vậy, mỗi lần đi làm đồng, dù nắng dãi mưa dầu, mẹ tôi vẫn đeo chiếc giỏ bên mình kiếm chút thức tanh cải thiện cho con.
Nhớ nhất những ngày tháng Sáu nắng chang chang, mẹ tôi đội trời đi bắt cua ngoi. Mẹ về, chiếc giỏ bên hông trĩu nặng, sệ xuống. Đôi tay mẹ sứt sát nhiều chỗ vì bị cua cắp. Tôi đỡ giỏ từ tay mẹ, đổ xuống chiêc chậu sành. Mấy đứa em tôi xúm quanh chiếc chậu ngắm lũ cua đang bò lên thành chậu tìm đường thoát thân. Chị em tôi háo hức chờ được ăn món cua đồng rang từ đôi bàn tay khéo léo của mẹ. Trời nắng như thiêu mà ăn canh cua đồng nấu với rau mồng tơi, rau đay, thêm quả mướp hay nấu rau tập tàng thì ngọt lừ. Lại có đĩa sung muối xổi hay cà pháo thì ngon nhớ đời.
Bên cạnh bát canh của ngọt lừ, cua đồng rang cũng là món ngon dân dã nhưng rất bắt mồm. Mỗi lần bắt cua về, mẹ tôi thường chọn những chú cua đực màu xanh đá, có chiếc càng bự để làm món này. Cua đồng mùa nào rang cũng được, nhưng ngon nhất là cua mùa đông ken khi gió heo may về, chắc không kém rạm trôi. Sau vụ gặt tháng 10, trời hơi se lạnh, cua đồng ăn màu lúa rồi núp trong “mà” nên rất chắc. Buổi trưa khi nghỉ gặt, mẹ tôi thường đi xung quanh bờ ruộng, tìm những chiếc "mà" có đất đùn ra để bắt cua. Có “mà” được hai con. Chỉ chừng nửa tiếng là được bữa cua rang ngon lành.
Mẹ rửa thật sạch bằng cách chà xát cho sạch mặt ngoài cua, nhất là chân cua, rồi bỏ đi phần yếm. Sau khi rửa xong, mẹ pha nước muối loãng để ngâm cho cua nhả hết các thứ bẩn, rửa lại bằng nước sạch mới đem rang. Bắc chảo lên bếp chờ nóng già, cho mỡ hóa học vào phi thơm hành khô, cho tiếp vào chừng lưng bát nước chấm hòa sẵn gồm nước mắm, hạt tiêu bắc xay nhỏ, mỳ chính. Chờ nước trong chảo sôi lăn tăn, trút cua đồng nguyên con vào, nhẹ tay chao, lật đều để từng con kịp thấm đẫm nước gia vị. Hạ lửa cho sôi liu riu( không đậy nắp để cua không tanh). Khoảng hơn chục phút sau, cua đồng chuyển sang màu đỏ au, nước cạn, cho ít lá lột thái sợi, đảo đều lại là bắc ra.
Ngày ấy, lũ trẻ con chúng tôi thường mong đến mùa gặt để được ăn vài bữa cơm không độn. Mâm cơm dọn ra, màu xanh của đĩa rau luộc, màu đỏ au của đĩa cua rang, bát nước rau vắt chanh cốm hồng hồng sẽ hấp dẫn vô cùng. Tôi thích nhất là bát cơm trộn với gạch cua màu vàng bóng ăn với rau ngót luộc. Chỉ nhìn thế, lưỡi đã toát ‘mồ hôi”. Vị ngọt của cơm gạo mới quyện với vị bùi ngậy đậm đà của gạch cua, vị ngọt ngào của thịt cua sẽ thấm dần nơi đầu lưỡi, làm ta nhớ mãi. Đó là chất tinh túy của bờ xôi ruộng mật quê mình, là sự chắt chiu của đồng bãi dâng hiến cho đời!
Bây giờ quê tôi thay da đổi thịt, nhà nào thóc cũng dư thừa. Bà con không còn lam lũ cấy cày, gặt hái rồi tranh thủ kiếm thức ăn như những ngày xưa. Phần vì cuộc sống khấm khá, phần vì ruộng bãi ngày một thu hẹp bởi những dự án; cá tôm, thủy sản rặt những thứ nuôi... Thấy sống mũi cay cay!
Mỗi mùa gặt về, tôi lại thổn thức nhớ món cua đồng rang, món ăn của tuổi thơ dấu yêu, của tình mẹ bao la và tình quê sâu nặng.