Trong một tuyên bố gửi qua thư điện tử ngày 4/5, IISS - nhà tổ chức Đối thoại Shangri-La, nêu rõ: "Sự kiện này đánh dấu chuyến thăm đầu tiên của Bộ trưởng (ông Austin) tới Đông Nam Á. Cùng với việc có bài phát biểu công khai, ông cũng sẽ tiến hành các cuộc gặp song phương và đa phương bên lề hội nghị".
Đối thoại Shangri-La là sự kiện thường niên, quy tụ các quan chức hàng đầu trong lĩnh vực quân sự, ngoại giao và các nhà sản xuất vũ khí trên khắp thế giới để thảo luận về các vấn đề an ninh. Chủ đề đối thoại năm nay gồm chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ, sự hợp tác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, các mối đe dọa môi trường và an ninh khu vực, trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới. Tại hội nghị sẽ diễn ra các cuộc họp bên lề song phương và đa phương giữa các bên tham dự. Dự kiến, sẽ có 6 phiên họp toàn thể và một hội nghị bàn tròn cấp bộ trưởng.
Được tổ chức hằng năm tại Singapore kể từ hội nghị đầu tiên vào năm 2002, năm ngoái, ban tổ chức đã lần đầu tiên buộc phải hủy Đối thoại Shangri-La do đại dịch COVID-19 hoành hành.
Trong một diễn biến khác, ngày 3/5, Đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc (LHQ) Trương Quân cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ tham dự cuộc họp cấp cao của Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ. Cuộc họp do Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ trì, dự kiến diễn ra ngày 5/5 tới, thảo luận về tăng cường hợp tác toàn cầu và vai trò chủ chốt của LHQ trong huy động nguồn lực quốc tế trong giải quyết các cuộc xung đột và khủng hoảng trên thế giới.
Phát biểu họp báo, ông Trương Quân nêu rõ cuộc họp ngày 5/5 là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc trong vai trò Chủ tịch luân phiên HĐBA LHQ tháng này và sẽ có sự tham dự không chỉ của ông Blinken mà còn có nhiều ngoại trưởng khác từ 15 nước ủy viên cơ quan quyền lực nhất của LHQ này.