Gần thành phố Avdiivka của Ukraine, một robot hình hộp chạy dọc theo con đường đầy đá và nứt nẻ. Xoay từ bên này sang bên kia, con robot—một cỗ máy bốn bánh, cao tới đầu gối – vận chuyển hàng hóa và đạn dược cho quân đội Nga. Tuy nhiên, nó đang bị theo dõi. Bay lượn phía trên, theo dõi chuyển động của robot là một máy bay không người lái của Ukraine. Đột nhiên, một chiếc máy bay không người lái khác lao vào robot, khiến nó nổ tung thành từng mảnh.
Những cuộc tấn công như vậy xảy ra ngày càng phổ biến hơn. Máy bay không người lái được Ukraine sử dụng để giám sát hoặc tấn công robot mặt đất, robot cũng đã được trang bị vũ khí và các robot không người lái nhỏ khác đang được trang bị công nghệ gây nhiễu để đánh bật máy bay không người lái từ trên trời.
Kể từ cuộc xung đột bùng nổ tháng 2/2022, máy bay không người lái cỡ nhỏ đã đóng một vai trò to lớn, với hàng nghìn máy bay không người lái được sử dụng để giám sát chiến trường, theo dõi chuyển động của đối phương và mang theo chất nổ. Các video do binh sĩ Ukraine và Nga ghi lại và được tung lên mạng cho thấy máy bay không người lái (UAV), thường là máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV), được sử dụng để tấn công xe tăng và binh sĩ. Những tháng gần đây, một loại robot khác ngày càng xuất hiện nhiều, đó là là phương tiện mặt đất không người lái, hay UGV.
Samuel Bendett, nhà phân tích về Nga tại Trung tâm Phân tích Hải quân (Mỹ), người theo dõi việc sử dụng công nghệ máy bay không người lái và robot quân sự, cho biết: “Có rất nhiều chương trình phát triển phương tiện mặt đất không người lái đang diễn ra”. Theo ông Bendett, hầu hết các UGV đang được phát triển hoặc sử dụng đều là robot nhỏ vì các phương tiện lớn hơn sẽ dễ bị theo dõi, quan sát và tấn công bằng FPV và các máy bay không người lái khác. Ông nói: “Chiến trường Ukraine tràn ngập các cảm biến trên không về cơ bản có thể theo dõi và tấn công bất cứ thứ gì chuyển động, bao gồm cả các robot khác”.
Các UGV đang được phát triển thường là những cỗ máy 4 hoặc 6 bánh có thể được trang bị cho nhiều mục đích. Có những robot hậu cần, có thể chở đồ tiếp tế đến tiền tuyến; robot sơ tán chở người bị thương; và các robot liên quan đến chiến đấu, chẳng hạn như robot đặt hoặc phá mìn, robot có gắn chất nổ hoặc vũ khí. Những robot này phần lớn được điều khiển từ xa bởi con người, có rất ít quyền tự chủ và hoạt động trong phạm vi vài km.
Thực ra UGV không phải là mới. Một số UGV từng xuất hiện trong Thế chiến thứ hai và được sử dụng làm thiết bị nổ. Chúng cũng xuất hiện trong các cuộc xung đột khác. Chuyên gia Bendett cho biết, hầu hết sự phát triển UGV của Nga cho đến nay đều là tự chế, khi các binh sĩ hoặc tình nguyện viên tạo ra robot cho các nhiệm vụ hoặc nhu cầu cụ thể. Trong khi đó, Ukraine đã nỗ lực nhiều hơn để phát triển robot quân sự mặt đất, với việc chính phủ nêu rõ tham vọng xây dựng một “đội quân robot”.
Các video từ Ukraine, lần đầu tiên được chia sẻ trên các kênh Telegram và được các nhà phân tích như Bendett xem xét, cho thấy một máy bay không người lái của Nga đang theo dõi một chiếc UGV của Ukraine khi nó vừa di chuyển vừa rải mìn. Trong một video khác, một robot nhỏ 6 bánh tiếp cận một chiếc UAV bị bắn rơi, nâng cánh của nó lên trước khi các binh sĩ tiếp cận nó. Một video khác cho thấy UAV đang tìm cách tiêu diệt UGV di chuyển trên mặt đất.
Hồi đầu tháng 1, Phó thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov đã công bố một UGV có “tháp pháo tự động”, và cũng có thể vận chuyển đạn dược và quân nhu cho binh sĩ.
Trước khi xung đột bắt đầu, công ty của doanh nhân Ukraine Taras Ostapchuk chuyên sản xuất cột đèn đường. Hiện tại, ông chuyển sang chế tạo robot và máy bay không người lái FPV cho quân đội Ukraine. Được hỗ trợ bởi cụm công nghệ quân sự Brave1, Ostapchuk đã phát triển ba loại robot, tất cả đều được gọi là Ratel. Một là robot “kamikaze” (tấn công liều chết) 4 bánh có thể gắn chất nổ hoặc đặt mìn; hai loại robot còn lại có thể mang thiết bị hoặc chở người bị thương.
Ostapchuk cho biết, robot nhỏ có phạm vi hoạt động từ 2 đến 3 km, có thể được mở rộng bằng trạm mặt đất khuếch đại tín hiệu vô tuyến được sử dụng để điều khiển nó, trong khi robot lớn hơn có thể được điều khiển từ xa bởi con người trong phạm vi 40 đến 60 km. Tại một số khu vực ở Ukraine, chẳng hạn như Zaporizhzhia và Donbas, Ostapchuk cho biết điều quan trọng đối với UGV là phải có công nghệ để đối phó với máy bay không người lái FPV có thể đang nhắm mục tiêu tới nó.
Trong một video thử nghiệm, một trong những chiếc Ratel UGV được một chiếc máy bay không người lái tiếp cận và có vẻ như nó đã lao xuống đất và ngừng hoạt động.
Chuyên gia Zachary Kallenborn, tại Trung tâm Nghiên cứu và chiến lược quốc tế (CSIS), cho biết: “Chắc chắn, khi có nhiều phương tiện mặt đất không người lái hơn được sử dụng trong chiến đấu ở quy mô lớn hơn ở cả hai bên, sẽ có khả năng xảy ra giao chiến giữa các phương tiện đó”.
Tuy nhiên, ông Kallenborn cảnh báo rằng những cuộc giao chiến như vậy không có khả năng “mang tính quyết định hoặc nghiêm trọng” tới phạm vi và quy mô rộng hơn của cuộc chiến. Thay vào đó, ông nói rằng việc đưa thêm UGV vào có thể dẫn tới việc thay đổi chiến lược của các bên tham gia cuộc chiến. “Tôi nghĩ chúng ta sẽ chứng kiến sự thay đổi ngày càng tăng theo hướng nhắm mục tiêu vào người vận hành và các cơ cấu hỗ trợ, thay vì nhắm mục tiêu vào chính phương tiện tự hành”, Kallenborn nói.
Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều UGV được phát triển, chúng có thể sẽ đảm nhận vai trò lớn hơn trong cuộc xung đột. Ông Kallenborn cho biết Ukraine đã thành công với các xuồng không người lái tự sát của hải quân và cho biết thêm rằng UGV cho phép binh lính thực hiện các nhiệm vụ khác và giảm một số rủi ro cho con người trên mặt đất, chẳng hạn như gửi robot đi làm nhiệm vụ trinh sát. Ông nói: “Không ai thực sự quan tâm liệu phương tiện mặt đất có bị phá hủy hay không, ngoại trừ các nhân viên kế toán”.