Cho đến nay, các hệ thống robot được quan sát thấy trong các video được phát tán trên mạng xã hội dường như được thiết kế cho mục đích hậu cần, giúp binh lính không cần phải mạo hiểm ra khỏi nơi trú ấn của họ. Một kênh Telegram ủng hộ Nga gần đây đã đăng tải một đoạn clip có nội dung cho thấy một phương tiện mặt đất không người lái (UGV) của Nga đang cung cấp vật tư cho quân đội tiền tuyến trong khi tránh các cuộc tấn công từ máy bay không người lái mini của Ukraine, và vận chuyển một người lính bị thương, mặc dù việc sơ tán người không được thể hiện rõ ràng.
Sam Bendett, nhà phân tích nghiên cứu tại Trung tâm Phân tích Hải quân có trụ sở tại Mỹ, nói: “Do có quá nhiều máy bay không người lái hoạt động trên không, cả máy bay giám sát và máy bay tấn công, việc di chuyển ra xung quanh đã trở nên rất khó khăn cho cả hai bên. Vì vậy, các nhiệm vụ thường xuyên như hậu cần, tiếp tế và sơ tán có nguy cơ bị máy bay không người lái địch phát hiện và tấn công.”
Để đối phó với rủi ro đó, các lực lượng Ukraine và Nga đang trang bị “các nền tảng robot tự chế, đơn giản” cho những nhiệm vụ như vậy, ông Bendett cho biết thêm.
Federico Borsari, một thành viên tại Trung tâm Phân tích chính sách châu Âu có trụ sở tại Washington, cũng cho biết có vẻ như Trung đoàn 87 của Nga đã ghi lại đoạn video nói trên. Trung đoàn đó hiện đang hoạt động tại thị trấn công nghiệp Avdiivka, phía nam Ukraine.
“UGV này có vẻ như là một hệ thống đơn giản, gần như thủ công chứ không phải là một hệ thống được sản xuất công nghiệp. Kênh Telegram cũng hiển thị hình ảnh về hệ thống treo, xích cao su và các bộ phận động cơ được mua sẵn và giao trực tiếp đến các đơn vị ở Ukraine”, chuyên gia Borsari nói.
Cả hai chuyên gia đều đồng ý rằng dựa trên hình dáng bên ngoài của thiết bị, nó có thể được lắp ráp bởi chính những người lính hoặc tình nguyện viên ở tiền tuyến. Ông Bendett lưu ý rằng các dự án DIY tương tự khác, với cả bánh xích và bánh xe, hiện đang được quân đội Nga thử nghiệm làm phương tiện hậu cần.
Mặc dù không rõ liệu các robot thô sơ đó có thể vận chuyển một người lính bị thương hay không, các nhà phân tích nói rằng về mặt lý thuyết, robot trong video có thể thực hiện được công việc đó.
Ông Borsari nói: “Thiết kế cơ bản của chiếc xe dường như có chiều dài khoảng 1,5 mét và chiều rộng 1,2 mét, với hai tấm mở rộng ở phía trước và phía sau của phần giữa để chở một người lính”.
Ông nói thêm, những thí nghiệm gần đây của Nga với robot mặt đất có thể báo hiệu một xu hướng: “Một loạt nguyên mẫu UGV mà các công ty Nga đang phát triển là tín hiệu rõ ràng rằng Moskva coi phân khúc này là một phân khúc quan trọng đối với khả năng quân sự trong tương lai của mình”.
Về phía Ukraine, UGV cũng đã được triển khai
Bắt đầu từ năm 2013, công ty Milrem Robotics của Estonia đã phát triển 15 hệ thống robot, được triển khai tại 16 quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Ukraine và một số thành viên NATO.
UGV của Milrem Robotics, có tên “TheMis UGV” nhanh nhẹn, ít tiếng ồn là một robot được điều khiển từ xa, có thể được trang bị vũ khí hoặc sử dụng để xử lý bom và thu thập thông tin tình báo.
Sten Allik, Giám đốc phát triển và thí nghiệm tại Milrem Robotics, cho biết: “Những gì chúng tôi đã thấy trên thực địa ở Ukraine xác nhận những gì chúng tôi đang hướng tới, robot của chúng tôi đã được sử dụng để đưa con người thoát khỏi nguy hiểm”.
Ông Allik nói: “Với những cỗ máy chỉ cần một chút nhiên liệu và một chút bảo trì, bạn chắc chắn coi chúng là một lựa chọn để tăng tính bền vững [của một chiến dịch quân sự]”. Công ty cho biết đã bán 14 chiếc TheMIS cho Ukraine.
“Có những lĩnh vực mà ngày nay robot đã làm tốt hơn con người”, ông Allik lưu ý.
Cho đến nay, công nghệ của Milrem là bán tự động, hỗ trợ - thay vì thay thế hoàn toàn - quân đội tiền tuyến, nhưng ông Allik tuyên bố phiên bản tự động hoàn toàn sẽ có trong tương lai gần. "Công nghệ thực sự chưa đến mức... bạn có thể thay thế tiền tuyến bằng công nghệ không người lái. Tư duy nằm ở đó, chỉ là chưa có công nghệ hỗ trợ”.
Tuy nhiên, tốc độ thay đổi công nghệ vẫn đang chóng mặt. James Acuna, thành viên của Mạng lưới Nhà đầu tư Quốc phòng Châu Âu, cho biết: “Bất kỳ hệ thống chống máy bay không người lái nào ra đời trước năm 2019 đều giống như 'ông nội' vậy”.
"Thị trường máy bay không người lái chắc chắn sẽ phát triển và Ukraine đang dẫn đầu trên lĩnh vực này", ông Acuna nhận định.
Theo ông Allik, điều thúc đẩy sự cải tiến công nghệ nhanh chóng là các lực lượng Nga thường có thể phát triển các biện pháp đối phó với việc Kiev triển khai các công nghệ mới chỉ trong vài tuần.
Không giống như máy bay không người lái, hiện là công cụ chiến tranh phổ biến và không thể thiếu của cả hai bên, phương tiện mặt đất không người lái (UGV) vẫn chưa trở thành một phần không thể thiếu trong các hoạt động chiến đấu ở Ukraine. Bộ Quốc phòng nước này cũng đã có cuộc họp với đại diện Lực lượng Vũ trang và các bộ khác với chủ đề “Hệ thống Robot Mặt đất” vào cuối tháng 6 như một phần trong nỗ lực phát triển và tích hợp các hệ thống robot mặt đất vào các hoạt động quân sự.