Trong một thông báo bất ngờ ngày 14/12, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Charles Michel cho biết các nhà lãnh đạo EU sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán về việc Ukraine gia nhập khối tại hội nghị thượng đỉnh ở Brussels. Nhà lãnh đạo gọi đó là tín hiệu hy vọng rõ ràng cho người dân của Ukraine và châu Âu.
Mặc dù quá trình từ khi mở các cuộc đàm phán đến khi Ukraine cuối cùng trở thành thành viên có thể mất nhiều năm, nhưng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hoan nghênh thỏa thuận này là một chiến thắng của Ukraine và toàn bộ châu Âu.
Trong một phản ứng liên quan, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cho rằng đây là một thông điệp rất rõ ràng gửi tới Moskva, rằng người châu Âu không từ bỏ Ukraine.
Về phần mình, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho biết ông vẫn giữ nguyên quan điểm phản đối nhưng vì tập thể, nên ông từ chối sử dụng quyền phủ quyết và đồng ý rời phòng khi lãnh đạo 26 nước thành viên còn lại đồng ý mở đàm phán về tư cách thành viên của Ukraine.
“Quan điểm của Hungary rất rõ ràng. Đối với chúng tôi, Ukraine chưa sẵn sàng để bắt đầu các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU. Đó hoàn toàn là một quyết định không phù hợp và phi lý”, Thủ tướng Orban khẳng định.
GDP bình quân đầu người của Ukraine thấp hơn 1/3 mức trung bình GDP của EU. Việc Ukraine trở thành thành viên EU có nghĩa là nước này sẽ ngay lập tức nhận được nguồn vốn ròng để cân bằng mức sống và hỗ trợ ngành nông nghiệp khổng lồ của mình.
Một nghiên cứu nội bộ của EU vào tháng 7 cho thấy nếu Ukraine là thành viên trong khối, nước này sẽ nhận được 96,5 tỷ euro (tương đương 106 tỷ USD) theo Chính sách nông nghiệp chung của khối trong 7 năm và 61 tỷ euro khác theo chính sách gắn kết của EU, nhằm mục đích cân bằng mức sống trên toàn khối.
Nghiên cứu của EU chỉ ra tổng cộng trong ngân sách 7 năm của EU, Ukraine sẽ đủ điều kiện nhận được 186,3 tỷ euro. Điều này có nghĩa là nhiều quốc gia hiện nhận tiền ròng của EU sẽ trở thành người đóng góp và những người đóng góp hiện tại sẽ phải trả nhiều tiền hơn. Đây sẽ là một vấn đề lớn đối với hầu hết 27 thành viên hiện tại của EU.
Bên cạnh đó, Ukraine là một cường quốc nông nghiệp với diện tích đất canh tác là 41 triệu ha. Phần lớn sản phẩm nông nghiệp nước này đang được EU nhập khẩu. Tuy nhiên, với tư cách là thành viên EU, Ukraine sẽ trở thành một phần của thị trường chung EU, không bị vướng thuế quan hay hạn ngạch và hàng hóa có thể di chuyển tự do qua biên giới. Các quan chức kỳ vọng Ukraine có thể sẽ tăng sản lượng nông nghiệp và xuất khẩu sang EU. Nhưng điều này có thể sẽ gây ra phản ứng dữ dội từ nông dân trên khắp EU, tạo sức ép lớn lên các chính phủ.
Việc trở thành thành viên của EU cũng mở cửa toàn bộ thị trường lao động EU cho hàng triệu nhân công Ukraine. Điều này làm gợi nhớ đến bài học một lượng lớn người Ba Lan đến Anh sau khi Ba Lan gia nhập EU vào năm 2004 – trở thành một trong những yếu tố chính dẫn đến Brexit. Các nước EU khác đã đưa ra các giai đoạn chuyển tiếp kéo dài trước khi mở cửa thị trường lao động cho các thành viên EU mới từ phía Đông.