Trong cuộc xung đột với Nga, lực lượng của Ukraine đã sử dụng một lượng lớn đạn dược, và hiện tại các nguồn cung cấp cơ bản như đạn đã gần như cạn kiệt. Châu Âu đã không lường đến một cuộc xung đột trong khu vực khiến ngành công nghiệp vũ khí không thể theo kịp nhu cầu hiện tại. Cuối năm 2022, tờ Washington Post (Mỹ) cho rằng các nước phương Tây sẽ phải mất tới 15 năm để bổ sung kho vũ khí với tốc độ sản xuất hiện tại.
Ngày 13/2, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này có kế hoạch tăng mục tiêu về kho dự trữ đạn, vốn đang cạn kiệt do xung đột tại Ukraine.
Phát biểu với báo giới, ông Stoltenberg nói: “Cuộc chiến ở Ukraine đang tiêu tốn một lượng lớn đạn dược. Tỷ lệ chi tiêu đạn dược của Ukraine cao hơn nhiều lần so với tỷ lệ sản xuất hiện tại của chúng ta. Điều này đặt ngành công nghiệp quốc phòng của chúng ta vào tình trạng căng thẳng”. Do đó, ông Stoltenberg cho rằng các nước thành viên NATO cần đẩy mạnh và đầu tư vào năng lực sản xuất.
Phóng viên thường trú của DW tại Kiev - Nick Connolly cho biết ông đã nói chuyện với các chỉ huy Ukraine và họ nói rằng đang phải đưa ra "những lựa chọn rất khó khăn" về việc sử dụng đạn dược.
Ông Connolly nhận định: “Ngay bây giờ, bạn có thể thấy Ukraine và các đồng minh của họ di chuyển khắp thế giới, đến những nơi xa xôi như Pakistan và Hàn Quốc để tìm kiếm đạn dược”.
Các chuyên gia nhận định với kênh CNN (Mỹ) rằng nhiều thập kỷ cắt giảm ngân sách trên khắp châu Âu đã khiến các nhà hoạch định chính sách khu vực này cố tình giữ lượng dự trữ thấp với giả định rằng sẽ không có một cuộc xung đột trên bộ nào có thể tiêu tốn đạn dược ở mức độ tương tự như Thế chiến thứ nhất hoặc thứ hai.
Các chuyên gia chỉ ra một loạt yếu tố khác. Ông Tom Waldwyn tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh) nhận định: “Có giới hạn đối với việc nhanh chóng tăng sản lượng. Việc tăng sản lượng đáng kể sẽ rất tốn kém và mất thời gian. Các công ty tư nhân nào chịu trách nhiệm trước cổ đông sẽ không giữ nhân viên và duy trì công suất lớn để sản xuất thiết bị mà mọi người không mua, do đó sẽ khó đáp ứng nhu cầu tăng đột biến trong ngắn và trung hạn”.
Tiếp tế đạn dược là mối quan tâm của các lực lượng Ukraine và Nga trong nhiều tháng. Kênh NBC News (Mỹ) vào tháng 12/2022 đưa tin Giám đốc Tình báo quốc gia Avril Haines đã phát biểu trong một cuộc gặp với các quan chức nước này tại California rằng Nga đang sử dụng hết đạn dược với tốc độ "thực sự khá phi thường" và nhanh hơn mức mà ngành công nghiệp quốc phòng của chính họ có thể thay thế.
Thứ trưởng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo vào tháng 10/2022 cho biết rằng cơ quan của ông đã ban hành "hướng dẫn rõ ràng rằng chúng tôi sẵn sàng và có thể trừng phạt những cá nhân, doanh nghiệp, quốc gia cung cấp đạn dược cho Nga hoặc hỗ trợ tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga".
Theo Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp trừng phạt hiện tại đã làm tê liệt khả năng sản xuất vũ khí và thay thế những vũ khí của Nga bị phá hủy ở Ukraine, đồng thời ngăn chặn Moskva nhận được các thiết bị vi điện tử cần thiết cho tổ hợp công nghiệp quân sự của mình.