Trung Quốc đã bắt đầu cài đặt thiết bị "tai nghe cảm biến" tại các vùng biển của nước này trong một nỗ lực nhằm phát hiện và theo dõi các tàu ngầm của Mỹ và các đồng minh.Lyle Goldstein và Shannon Knight, hai chuyên gia phân tích hải quân cấp cao, đã mô tả hệ thống nghe cảm biến mới trên của Trung Quốc là "đáng ngạc nhiên" trong một bài báo đăng trên tờ Proceedings, một tạp chí chuyên ngành hải quân mới đây.
Tuyên bố "triển khai hệ thống âm thanh cảm biến dưới đại dương” là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh đã bắt đầu xem xét một cách nghiêm túc đến sức mạnh hủy diệt lớn của các tàu ngầm đối phương, đặc biệt là tàu ngầm của Hải quân Mỹ.
Hệ thống âm thanh phát hiện tàu ngầm của Trung Quốc xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2012, dường như là bản sao của hệ thống giám sát âm thanh của Mỹ, hay còn gọi là SOSUS - một mạng lưới thiết bị âm thanh cảm biến đã giúp Hải quân Mỹ phát hiện ra tàu ngầm của Liên Xô kể từ giữa những năm 1950.
Các tàu ngầm hiện đại của Mỹ và đồng minh tạo lợi thế quân sự trước Trung Quốc trong những năm trước đây. |
Liên Xô đã biết đến hệ thống SOSUS nhờ vào một người Mỹ trở cờ có tên là John Walker năm 1968. Sau đó, để đối phó với SOSUS, Liên Xô đã nâng cấp đội tàu ngầm của mình để giảm tiếng ồn. Đổi lại, Hải quân Mỹ đã phát triển SOSUS với những thiết bị cảm biến tốt hơn.
Khi hoạt động hiệu quả, SOSUS có thể phát hiện ra tàu ngầm ở cách xa hàng ngàn dặm. Hệ thống này hiện vẫn là "vũ khí bí mật" của Hải quân Mỹ, mặc dù về mặt kỹ thuật nó không còn là bí mật nữa.
Nếu hệ thống nghe dò tàu ngầm của Trung Quốc đạt được một nửa hiệu suất so với SOSUS, nó có thể gây ra rắc rối cho lực lượng hải quân Mỹ, Nhật Bản và Australia. Các tàu ngầm hiện đại vẫn mang lại cho Mỹ và đồng minh lợi thế quân sự trước Bắc Kinh, nhưng với việc triển khai hệ thống mới, Trung Quốc có thể phát hiện, theo dõi các tàu ngầm của đối phương, đồng thời có thể săn lùng và tiêu diệt chúng nếu chiến tranh nổ ra. Kết quả là Trung Quốc sẽ đánh bại “tuyến phòng thủ đầu tiên” của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Chắc chắn, Bắc Kinh sẽ mở rộng việc thiết lập các hệ thống phát hiện tàu ngầm của mình ở dưới đáy biển. Tuy nhiên, nước này có thể cần phải mất nhiều năm hoăc nhiều thập kỷ để hoàn thiện kỹ thuật và công nghệ liên quan. Hải quân Mỹ đã phải đầu tư liên tục và ổn định trong suốt 40 năm để có sự thành công của SOSUS.
Trong mọi trường hợp, hệ thống phát hiện tàu ngầm này rõ ràng là một bước tiến quan trọng của Trung Quốc. Năm 2011, Owen Cote, chuyên gia phân tích hải quân tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ) đã đánh giá khả năng tác chiến chống tàu ngầm của Bắc Kinh là "rất hạn chế" và Trung Quốc "đã không đầu tư lớn để cải thiện" sức mạnh săn ngầm của mình.
Giờ đây, “các tổ hợp công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc đã nhận thấy tầm quan trọng của tác chiến chống ngầm. Do đó, năng lực nghiên cứu khoa học và quân sự tàu ngầm của Trung Quốc đã có chuyển biến đáng kể”, Goldstein và Knight đồng nhận xét.
Công Thuận (I.S.S)