“Hôm nay, quân địch đã dừng ở vị trí cách Eo biển Hormuz 321 km và đang rút dần tàu chiến khỏi Vịnh Péc-xích trước sức mạnh răn đe của lực lượng vũ trang Iran. Quân địch biết rõ chúng không thể đánh giá được mức độ sẵn sàng và khả năng phòng thủ của quân đội Iran”, đài Sputnik (Nga) dẫn lời Thiếu tướng Fard hôm 15/8.
Hiện vẫn chưa rõ tàu chiến mà chỉ huy Iran ám chỉ là loại tàu nào, cũng như tuyên bố chưa được kiểm chứng.
Tháng trước, Mỹ tuyên bố thúc đẩy việc xây dựng một liên minh hải quân tại Vịnh Péc-xích. Ý tưởng này đã bị Tổng thống Iran Hassan Rouhani chỉ trích, khẳng định các quốc gia trong khu vực có thể tự bảo vệ chính mình. “Không cần kêu gọi lực lượng nước ngoài để duy trì an ninh tại vùng Vịnh”, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cáo buộc “sự hiện diện của lực lượng ngoài khu vực là nguồn cơn gây ra bất ổn. Vị quan chức cấp cao Iran này cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc hình thành liên minh tại Vịnh Péc-xích, do Washington “đơn độc trên thế giới và các quốc gia khác cảm thấy quá xấu hổ khi liên minh với Mỹ”.
Ý tưởng hình thành liên minh hải quân tuần tra vùng Vịnh nhằm “đảm bảo tự do hàng hải” trong khu vực được đề xuất sau khi tàu chở dầu gắn cờ Anh Stena Impero bị Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) bắt giữ hôm 19/7 với lý do tàu này vi phạm quy định hàng hải. Hiện có Anh và Israel cam kết tham gia liên minh trên, trong khi Hàn Quốc, Bỉ, Na Uy tỏ thái độ cân nhắc.
Video nhóm tàu sân bay Mỹ luyện tập tại Vịnh Péc-xích (Nguồn: AP):
Mối quan hệ giữa Washington và Tehran trở nên tồi tệ hơn kể từ tháng 5/2018 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), tên chính thức của thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, đồng thời áp dụng chính sách "gây sức ép tối đa" nhằm buộc Iran tìm kiếm một thỏa thuận mới có lợi hơn cho Mỹ. Washington đã điều động một nhóm tàu sân bay tấn công và máy bay ném bom tới vùng Vịnh nhằm truyền tải “thông điệp rõ ràng” tới Tehran.
Căng thẳng leo thang hơn nữa vào ngày 4/7, khi Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh bắt giữ tàu chở dầu Grace 1 tại eo biển Gibraltar, với cáo buộc tàu này vận chuyển dầu đến Syria và vi phạm lệnh trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với nước này. Tehran một mực bác bỏ những cáo buộc này và lên án vụ bắt giữ như một hành động bất hợp pháp.
Đến ngày 19/7, IRGC bắt giữ tàu chở dầu Stena Impero gắn cờ Anh với cáo buộc tàu này vi phạm luật hàng hải. Iran nhấn mạnh hành động này không phải đòn trả đũa cho vụ bắt giữ tàu chở dầu Grace 1.
Ngày 15/8, Tòa án Tối cao Gibraltar đã ra phán quyết thả tàu chở dầu Grace 1 của Iran bất chấp đề nghị tiếp tục tạm giữ tàu này từ phía Mỹ. Chính quyền Gibraltar đã quyết định thả tàu chở dầu Grace 1 sau khi nhận được thư đảm bảo của Chính phủ Iran rằng con tàu này sẽ không dỡ hàng tại Syria. Quyết định này được đưa ra chỉ vài giờ sau khi báo Gibralta Chronicle đưa tin Bộ Tư pháp Mỹ đã đề nghị tiếp tục tạm giữ con tàu.
Ngày 16/8, tàu chở dầu Grace 1 đã được trả tự do, rời khỏi vùng lãnh thổ Gibralta của Anh sau hơn một tháng bị bắt giữ. Con tàu được cho là đã lập tức nhằm hướng biển Địa Trung Hải với cái tên mới: Adrian Darya. Tuy nhiên theo đài Sputnik (Nga), ngày 16/8, Bộ Tư pháp Mỹ đã phát lệnh bắt giữ lại con tàu này.