Trung Quốc thiết lập căn cứ tên lửa lớn ở Bangladesh 

Nam Á đang chứng kiến cuộc cạnh tranh quyền lực lớn giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Trong khi Bắc Kinh tìm cách mở rộng sự hiện diện của mình trong khu vực với nguồn vốn khổng lồ và xuất khẩu vũ khí, Ấn Độ cũng đang tìm cách để bảo vệ phạm vi ảnh hưởng truyền thống.

Theo tờ Thời báo Âu-Á (eurasiantimes.com), một thập kỷ sau khi Trung Quốc chuyển giao các hệ thống tên lửa đất đối không cho Bangladesh, quốc gia này đang chuẩn bị thiết lập một cơ sở bảo dưỡng và đại tu, có thể dùng làm dây chuyền sản xuất tên lửa tương tự và các biến thể nâng cấp của nó.

Chú thích ảnh
Tên lửa FM-90 của Bangladesh. Ảnh: WC

Công ty Trung Quốc Vanguard, được cho là đã được chọn làm đối tác cho trung tâm bảo dưỡng tên lửa FM-90 được thành lập ở Bangladesh. Hiện tại, Không quân, Hải quân và Lục quân Bangladesh đều được trang bị tên lửa này. Quân đội Trung Quốc cũng sở hữu hệ thống tên lửa tương tự.

Cơ sở này đang được thiết lập ngay cả khi tên lửa FM-90 gây tranh cãi ở Bangladesh vào năm ngoái. Do một số lo ngại về kỹ thuật, FM-90 đã được kiểm tra cùng với các vũ khí nhập khẩu khác từ Trung Quốc. Các nghi vấn sau đó đã xuất hiện về tuổi thọ của vũ khí Trung Quốc. 

Cụ thể, một phần hệ thống CV-102 của FM-90 được phát hiện đã bị trục trặc do nguồn điện tăng nhanh, gây hư hỏng cho bộ phận đánh lửa để kích nổ.

Trung Quốc đang xâm nhập vào Nam Á với việc tiếp cận Ấn Độ Dương. Động thái này nhằm tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ Dương để giảm sự phụ thuộc vào eo biển Malacca, được coi là một trong những tuyến đường vận tải đông đúc nhất thế giới. Bangladesh được bao quanh 3 mặt bởi Ấn Độ Dương và mặt còn lại là Vịnh Bengal.

Mặc dù được coi là đồng minh thân thiết của Ấn Độ, Bangladesh vẫn duy trì quan hệ thương mại và quân sự chặt chẽ với Trung Quốc. Hai nước đã ký hiệp ước Hợp tác Quốc phòng vào năm 2002, trong đó có sản xuất vũ khí.

Trung Quốc cung cấp cho Bangladesh tàu chiến, pháo hải quân, tên lửa chống hạm và hệ thống tên lửa đất đối không. Bangladesh là nước mua vũ khí lớn thứ hai của Trung Quốc sau Pakistan. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), Bangladesh đã mua gần 17% tổng kim ngạch xuất khẩu quân sự của Trung Quốc từ năm 2016 đến năm 2020.

Hệ thống FM-90, lắp trên xe tải, là phiên bản nâng cấp của tên lửa “Hong Qi”, được phát triển bởi Công ty Trung Quốc CNPMIEC vào năm 1998. Năm 2011, nó được chuyển giao cho Bangladesh. Vũ khí phòng không này có khả năng bắn hạ máy bay, tên lửa và thiết bị bay không người lái trong mọi điều kiện thời tiết.

Nó có radar với tầm hoạt động 25 km và có thể phóng đồng thời cùng một lúc để tiêu diệt một số mục tiêu, như tên lửa hành trình tầm cực thấp, tên lửa không đối đất và tên lửa chống bức xạ ở phạm vi hơn 16 km.

Vị trí chiến lược và tốc độ phát triển của Bangladesh đang được cả Trung Quốc và Ấn Độ quan tâm. Bangladesh được bao bọc bởi đại dương rộng lớn, nên đối mặt với ít thách thức an ninh thông thường hơn so với các nước láng giềng Nam Á.

Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở các quốc gia Nam Á và Ấn Độ Dương được coi là mối đe dọa tự nhiên đối với Ấn Độ khi nước này tìm cách đóng vai trò là nhà cung cấp an ninh mạng.

Mối quan hệ hợp tác quân sự giữa Trung Quốc và Pakistan, hai đối thủ của Ấn Độ, đã khiến quân đội nước này phải đau đầu. Trung Quốc đã thâm nhập vào Bangladesh trong hai thập kỷ qua, bất chấp sự gần gũi và quan hệ văn hóa chặt chẽ với Ấn Độ.

Năm 2016, Bangladesh tham gia Sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc. Tuy nhiên, nước này không đồng ý cho Trung Quốc đầu tư vào các cảng biển nước sâu có thể là điều kiện cho sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc trong tương lai.

Năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Bangladesh cũng cảnh báo Dhaka không nên trở thành một phần của Bộ tứ do Mỹ lãnh đạo mà Trung Quốc coi là nhằm kiềm chế nước này.

Bangladesh phụ thuộc vào Trung Quốc vì nhu cầu quân sự của họ rất lớn. Chuyên gia quốc phòng Ấn Độ Gurmeet Kanwal từng tuyên bố rằng kho vũ khí tên lửa của Bangladesh, đang được xây dựng với sự hỗ trợ của Trung Quốc, là một phần trong mục tiêu của Bắc Kinh nhằm bao vây Ấn Độ.

Tuy nhiên, New Delhi cũng đang tìm cách tăng cường mối quan hệ song phương với Dhaka. Trước đó, Ấn Độ đã cấp một khoản tín dụng trị giá 500 triệu USD cho Bangladesh để nhập khẩu quốc phòng và Quân đội Bangladesh đã nhận được 18 khẩu súng cối 120mm vào tháng 12/2020 như một phần của hợp tác Lục quân hai nước.

Công Thuận/Báo Tin tức
Sau Olympic mùa Đông, Trung Quốc hướng tới mục tiêu đăng cai World Cup
Sau Olympic mùa Đông, Trung Quốc hướng tới mục tiêu đăng cai World Cup

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng bày tỏ mong muốn một ngày nào đó Trung Quốc sẽ là nơi được chọn tổ chức Vòng chung kết giải bóng đá lớn nhất thế giới – World Cup.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN