Trung Quốc âm thầm tăng cường phòng thủ dọc biên giới Triều Tiên?

Trong khi tướng Trung Quốc nói rằng "thời gian (đối với vấn đề Triều Tiên) đang sắp hết. Chúng ta không thể để ngọn lửa chiến tranh bén vào Trung Quốc", truyền thông Mỹ lại rộ lên thông tin Bắc Kinh đang tăng cường phòng thủ quân sự dọc biên giới dài 1.415 km với Triều Tiên, lo ngại một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn sẽ xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên.

Binh sĩ quân đội Trung Quốc PLA đứng trên xe tăng tham gia một buổi tập trận tại Viện Kỹ thuật PLA.

Dẫn nguồn từ các trang web chính phủ, quân sự và phỏng vấn nhiều chuyên gia, tạp chí Wall Street Journal (WSJ) đưa tin Bắc Kinh hiện thắt chặt công tác giám sát 24/7 tại khu vực biên giới bằng máy bay không người lái, hệ thống máy quay công nghệ cao cũng như tổ chức các buổi tập trận bắn đạn thật, trực thăng tấn công với lực lượng đặc biệt, lính không quân và bộ binh, điều động đơn vị quân sự và vũ khí từ các khu vực khác về.

Trong một bài viết xuất bản vào tháng trước trên trang web chính thức của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), “một lữ đoàn phòng thủ biên giới mới được hình thành” nhận nhiệm vụ tuần tra để thu thập tin tình báo, đánh giá tình hình và xác định lại ranh giới với Triều Tiên.

Các động thái này diễn ra trong thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đã xem xét hành động quân sự để kìm hãm tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng và Bắc Kinh cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề. Mặc dù bản thân Tổng thống Trump dành rất nhiều thiện cảm cho người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình, song chính chương trình tên lửa Triều Tiên đã nhiều lần khiến mối quan hệ hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên căng thẳng.

Tháng trước, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các lệnh trừng phạt lên một công ty và hai công dân Trung Quốc, do nghi ngờ có mối quan hệ với Triều Tiên.

Phản ứng trước các bài viết trên, quan chức Trung Quốc ngày 24/7 đồng loạt lên tiếng phủ nhận mọi thông tin về bất kỳ quá trình chuẩn bị nào đang diễn ra ở biên giới với Triều Tiên.

Một đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố các lực lượng đang duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu và huấn luyện một cách bình thường.

Trong khi đó, Lục Khảng - phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định quân sự không nên là một sự lựa chọn để giải quyết vấn đề Bán đảo Triều Tiên, bởi vì lực lượng quân sự sẽ không bao giờ giải quyết mâu thuẫn, mà chỉ mang lại những nỗi đau lớn hơn.

Binh sĩ Triều Tiên tuần tra trên sông Yalu sát biên giới với thành phố Dandong, Trung Quốc.

Các chuyên gia cũng đều nhất trí một cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên từ phía Mỹ là điều không thể xảy ra. Phát biểu trước Quốc hội trong tháng 6, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis cho rằng Mỹ sẽ vận dụng hết mọi nỗ lực ngoại giao có thể để tránh một cuộc “chiến tranh thảm họa” xảy ra.

Tuy nhiên, nếu cuối cùng, Mỹ buộc phải giải quyết Triều Tiên, thì Trung Quốc cũng sẽ không ngồi yên nhìn bom rơi ngay sát biên giới họ. Bắc Kinh cũng muốn tăng cường phòng thủ biên giới để ngăn chặn làn sóng người tị nạn Triều Tiên dạt từ quốc gia láng giềng sang.

Hiện mặc dù Triều Tiên đã chứng minh họ vẫn có thể kỳ diệu sống sót bất chấp các lệnh cấm vận, song quốc gia này cũng phải hứng chịu nhiều nạn đói và thiếu hụt lương thực thực phẩm nghiêm trọng trong quá khứ. Các nhà phân tích cho rằng nếu như có xung đột xảy ra trên Bán đảo Triều Tiên, rất có thể hàng trăm nghìn, nếu không phải nói đến hàng triệu người dân Triều Tiên, sẽ chạy sang Trung Quốc, gây ra nỗi lo khủng hoảng cho Bắc Kinh.

Theo Mark Cozad – cựu nhân viên tình báo Mỹ chuyên nghiên cứu Đông Á, “nếu cá cược nơi đầu tiên khiến Mỹ và Trung Quốc nảy sinh xung đột, đó sẽ không phải là Đài Loan, Biển Đông hay Biển Hoa Đông, mà tôi nghĩ đó là Bán đảo Triều Tiên”.

Trung Quốc không nhất thiết phải nhảy vào bảo vệ Triều Tiên, song Bắc Kinh muốn ít nhất phía Mỹ phải bàn bạc với họ trước khi bóp cò khơi mào chiến tranh. Thiếu tướng quân đội Trung Quốc Vương Hải Vận (Wang Haiyun) – hiện đang làm việc tại một số viện nghiên cứu chiến lược Trung Quốc – nhận định: “Thời gian đang sắp hết. Chúng ta không thể để ngọn lửa chiến tranh bén vào Trung Quốc”.

Hồng Hạnh/Báo Tin Tức
Thử tên lửa ICBM xong, tàu ngầm Triều Tiên bất ngờ hoạt động dày đặc
Thử tên lửa ICBM xong, tàu ngầm Triều Tiên bất ngờ hoạt động dày đặc

Sau khi Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng vươn tầm bắn tới lãnh thổ Mỹ, hoạt động bất thường của tàu ngầm lớp Romeo của Triều Tiên đã buộc quân đội Mỹ phải tăng cường do thám canh chừng khả năng xảy ra một phóng thử tên lửa từ tàu ngầm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN