Một tàu ngầm của Triều Tiên bị bắt gặp xuất hiện phía trên một rạn san hô ngoài khơi thành phố Gangneung của Hàn Quốc. |
Đài NHK của Nhật Bản đưa tin, tàu ngầm diesel lớp Romeo của Bình Nhưỡng đã hoạt động dày đặc trong gần một tuần qua. Thông thường, các tàu ngầm loại này chỉ hoạt động trong khu vực khoảng 4 ngày.
Giới chức Hàn Quốc hiện chưa xác nhận bất cứ động thái quân sự nào đối với con tàu nặng 1.800 tấn của Triều Tiên.
Ngày 20/7, kênh CNN của Mỹ dẫn nguồn hai quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho hay một tàu ngầm của Bình Nhưỡng đang thể hiện “hoạt động triển khai bất thường”. Sử dụng hình ảnh do thám, các quan chức này xác định được con tàu này đã đi sâu vào vùng biển quốc tế hơn trước đây.
“Mặc dù có một số giải thích nhưng giả thuyết có khả năng nhất là Triều Tiên chuẩn bị cho một buổi thử nghiệm trong tương lai gần một quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pukguksong-1 cải tiến hoặc một hệ thống mới”, trang mạng 38 North chuyên nghiên cứu về Triều Tiên viết.
Viện nghiên cứu Đại học Johns Hopkins thông tin thêm: “Tàu ngầm lớp Sinpo và một tàu thử nghiệm chìm dưới nước đã được đổi vị trí” tại xưởng đóng tàu Sinpo của Triều Tiên và đây có thể là dấu hiệu cho thấy một vụ thử tên lửa trong thời gian tới.
Washington đã được đặt vào tình trạng báo động cao về hoạt động tên lửa của Triều Tiên sau khi
Bình Nhưỡng thử thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên do nước này chế tạo ngày 4/7. Các chuyên gia cho rằng Bình Nhưỡng sẽ có thể phóng tên lửa tới Bờ Tây của Mỹ trong vòng ít nhất 2 năm tới.
Được biết, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã chỉ đạo các nhà khoa nước này tiến hành phóng thử tên lửa thường xuyên hơn nên Washington lo ngại rằng hoạt động của tàu ngầm lớp Romeo vừa qua chính là dấu hiệu báo trước của một buổi phóng thử tên lửa từ tàu ngầm.