Triều Tiên phóng tên lửa từ hồ làm khó kế hoạch phòng thủ của Hàn Quốc

Hàn Quốc nói rằng họ có thể phòng thủ trước các loại vũ khí được Triều Tiên thử nghiệm gần đây, nhưng các nhà phân tích cho rằng Seoul đang “đánh giá thấp” những mối đe dọa mới.

Chú thích ảnh
Triều Tiên phóng SLBM từ một hồ chứa vào ngày 25/9/2022. Ảnh: KCNA công bố ngày 10/10/2022

Triều Tiên đã tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) mới nhất từ một hồ chứa nội địa, như một phần trong nỗ lực vượt qua các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ-Hàn Quốc. Nhưng quân đội Hàn Quốc cho rằng, những vũ khí như vậy chỉ "hiệu quả" khi được bắn từ tàu ngầm.

Nhận xét về loạt ảnh và thông tin về vụ phóng tên lửa mà Bình Nhưỡng công bố ngày 10/10, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng cho rằng, thông tin từ truyền thông nhà nước Triều Tiên tiết lộ rất ít thông tin mới về các hệ thống vũ khí của nước này.

Tuy vậy, các chuyên gia phát biểu với trang NK News (trang thông tin và phân tích về Triều Tiên) rằng chính quyền Tổng thống Yoon Suk-yeol dường như đang hạ thấp tầm quan trọng của những nỗ lực mới nhất thúc đẩy các chương trình tên lửa của Triều Tiên, cũng như các mối đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật chống lại Hàn Quốc.

Ankit Panda, một cộng tác viên của NK News và là thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế, cho biết: “Các SLBM phóng từ hồ vẫn có thể làm phức tạp đáng kể việc lập kế hoạch và nhắm mục tiêu trong thời chiến”.

“Chúng sẽ không cơ động như tàu ngầm, nhưng vẫn là một phương tiện khả thi khác để phóng vũ khí hạt nhân mà Hàn Quốc sẽ cần phải lên kế hoạch đối phó”, ông Panda nói và tuyên bố rằng Hàn Quốc đang “đánh giá thấp” thông tin từ truyền thông Triều Tiên.

Chú thích ảnh
Các SLBM phóng từ hồ có thể làm phức tạp đáng kể việc lập kế hoạch và nhắm mục tiêu trong thời chiến với Hàn Quốc. Ảnh: KCNA công bố ngày 10/10/2022 

Nhưng chuyên gia Panda cũng thừa nhận rằng có những “bất lợi” quan trọng với việc phóng SLBM từ hồ, đánh giá rằng Triều Tiên “có thể không thể tiến hành bảo trì mà không để lộ về hồ nước đặt các hệ thống này”.

Yang Uk, một chuyên gia quân sự tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, nói với NK News rằng Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dường như đã bỏ qua đánh giá về việc Triều Tiên đang cố gắng “tăng cường khả năng sống sót của các hệ thống phóng”.

"Đây là nỗ lực của Triều Tiên nhằm gây khó khăn cho Chuỗi Tiêu diệt của Hàn Quốc", ông Yang Uk nói, đề cập đến hệ thống đánh phủ đầu và phòng thủ của Seoul trước các cuộc tấn công của Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Yang cho biết động thái "sáng tạo" của Triều Tiên trong việc phóng SLBM từ các hồ nước dường như xuất phát từ tiến độ chậm chạp của nước này trong chế tạo các tàu ngầm có thể phóng SLBM. Ông cho rằng giải pháp ứng biến này không "hiệu quả về chi phí".

Kim Dong-yup, cựu sĩ quan hải quân Hàn Quốc và là giáo sư tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên, đồng ý rằng việc phóng SLBM từ một hồ chứa trong đất liền là một cách "lạ thường" để "đa dạng hóa" các điểm phóng và bệ phóng.

Chuyên gia này nhận xét: “Triều Tiên đang có ý định gây khó khăn cho [kẻ thù] trong việc xác định điểm phóng, cũng như gây khó khăn cho các cuộc tấn công phủ đầu”.

Ông Kim Dong-yup cũng chú ý tới báo cáo của tờ Rodong Sinmun về cuộc thử nghiệm SLBM nói rằng cuộc diễn tập đã thăm dò “độ tin cậy của vụ nổ đầu đạn” ở một độ cao đã định. Với tầm bắn đã được chứng minh của tên lửa, điều này cho thấy Triều Tiên đã tìm cách mô phỏng một vụ nổ bom hạt nhân ở cảng Busan của Hàn Quốc mà tàu USS Ronald Reagan của Mỹ đến thăm vào tháng trước.

Chú thích ảnh
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như đang đứng gần nơi Triều Tiên tiến hành vụ phóng SLBM từ một hồ chứa, ngày 20/9/2022. Ảnh KCNA công bố ngày 10/10/2022

Trong cuộc họp báo ngày 11/10, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Moon Hong-sik cho rằng truyền thông nhà nước Triều Tiên không đưa ra loại vũ khí nào mới, đồng thời khẳng định hệ thống Phòng không và Tên lửa Hàn Quốc (KAMD) có khả năng phát hiện và đánh chặn các tên lửa được đăng tải trên tờ Rodong Sinmun, bao gồm các SLBM.

Tuy nhiên, ông Yang lại nhận xét rằng KAMD không đủ mạnh và Hàn Quốc chưa có đủ thiết bị cần thiết để chống lại những gì mà Triều Tiên đã trình diễn hôm 10/10.

Chuyên gia Panda của Carnegie cũng lưu ý rằng "không có hệ thống phòng thủ tên lửa nào hiệu quả 100%."

Ông nói thêm rằng Triều Tiên “đang nhanh chóng mở rộng về số lượng lực lượng tên lửa của họ” và “Hàn Quốc sẽ có thể đánh chặn một số, nhưng không phải tất cả các tên lửa trong một cuộc chiến tranh lớn”.

Chú thích ảnh
Hình ảnh SLBM phóng từ một hồ chứa nước ở Triều Tiên vào ngày 25/9/2022. Ảnh: KCNA công bố ngày 10/10/2022

Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 11/10 cho rằng Triều Tiên “không có lợi gì” từ việc phát triển vũ khí hạt nhân và sử dụng chúng để đe dọa Hàn Quốc. Một quan chức của Bộ Thống nhất cũng thúc giục Bình Nhưỡng chấp nhận đề nghị hỗ trợ kinh tế của chính quyền Tổng thống Yoon nếu nước này thực hiện các bước phi hạt nhân hóa.

Tuy nhiên, ông Yoon Suk-yeol từ chối bình luận về việc liệu Hàn Quốc có cần vũ khí hạt nhân chiến thuật của riêng mình không, sau khi một số nhà lập pháp bảo thủ công khai kêu gọi Seoul triển khai loại vũ khí này để cân bằng với Triều Tiên.

“Tôi đang cân nhắc [ưu -nhược điểm] và lắng nghe ý kiến ​​đa dạng từ các chuyên gia ở Hàn Quốc và Mỹ”, Tổng thống Yoon cho biết.

Văn phòng tổng thống phủ nhận một báo cáo của phương tiện truyền thông Hàn Quốc cho rằng ông Yoon đang thảo luận về khả năng có được vũ khí hạt nhân chiến thuật với đảng của mình.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo NK News)
Hàn Quốc trừng phạt Triều Tiên
Hàn Quốc trừng phạt Triều Tiên

Hàn Quốc đã áp lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên do các vụ thử tên lửa liên tiếp trong thời gian gần đây. Đây là những biện pháp trừng phạt đơn phương đầu tiên mà Seoul áp đặt lên Hàn Quốc trong gần 5 năm qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN