Triều Tiên cảnh báo tập trận Mỹ - Hàn sẽ dẫn đến thảm họa

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Triều Tiên cáo buộc Mỹ và Hàn Quốc sẽ đẩy tình hình trên Bán đảo Triều Tiên đến mức “thảm họa” khi tiến hành cuộc tập trận quân sự chung chống Bình Nhưỡng.

Binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc trong cuộc tập trận chung ở Pocheon, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cảnh báo trên được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa ra trong một bài xã luận đăng ngày 17/8.
 
Theo kế hoạch, bắt đầu từ ngày 21/8 tới, Hàn Quốc và Mỹ sẽ tiến hành các cuộc tập trận chung Hàn – Mỹ mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi”. Washington và Seoul khẳng định cuộc tập trận này mang tính phòng vệ, tuy nhiên Triều Tiên từ lâu lên án đây là cuộc tổng duyệt cho cuộc chiến tranh hạt nhân chống Triều Tiên.
 
Cùng ngày, giới chức quân sự cấp cao của Mỹ khẳng định Mỹ và Hàn Quốc sẽ tiến hành tập trận theo kế hoạch. Dự kiến sẽ có hàng chục nghìn binh sĩ của hai nước tham gia.
 
Trung Quốc từng đề xuất Mỹ - Hàn ngừng các cuộc tập trận này để đổi lại việc kêu gọi Triều Tiên ngừng các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân. Tuy nhiên, đề xuất đã bị cả Washington và Seoul bác bỏ.

Trong một diễn biến liên quan, phát biểu với báo giới tại Bắc Kinh sau cuộc hội đàm với các đối tác Trung Quốc, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng Joe Dunford cho biết giải pháp hòa bình luôn là sự lựa chọn tối ưu cho vấn đề Triều Tiên, song nhấn mạnh rằng cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn "không phải là chủ đề để thương lượng trên bất kỳ bàn đàm phán nào". Ông cho biết đây là hoạt động quan trọng trong việc duy trì khả năng phòng vệ của liên minh Mỹ - Hàn, đồng thời khẳng định: "Chừng nào mối đe dọa Triều Tiên còn tồn tại, Mỹ và Hàn Quốc cần phải duy trì sự sẵn sàng cao chống lại mối đe dọa đó".


Về phần mình, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Thượng tướng Phạm Trường Long cho biết nước này tin tưởng biện pháp duy nhất để giải quyết vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên là thông qua các cuộc đối thoại và tham vấn, thay vì sử dụng giải pháp quân sự. Tại buổi tiếp ông Dunfort, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping) cũng khẳng định quan hệ giữa quân đội Mỹ và Trung Quốc là "thành phần quan trọng" trong quan hệ song phương, vì vậy hai bên cần giữ thông tin liên lạc mật thiết và quản lý tốt những bất đồng.
 
Hiện Triều Tiên và Hàn Quốc về mặt kỹ thuật vẫn ở trong tình trạng chiến tranh do chưa ký một hiệp định hòa bình sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Vì vậy, Triều Tiên luôn rất nhạy cảm với mọi động thái quân sự của Hàn Quốc và Mỹ. Tháng trước, Triều Tiên đã phóng thử 2 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), khiến khu vực và thế giới lo ngại, nhất là sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo tấn công tên lửa vào đảo Guam, vùng lãnh thổ của Mỹ tại Thái Bình Dương. Căng thẳng đã phần nào "hạ nhiệt" sau khi phía Triều Tiên hoãn lại kế hoạch này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in  đã hối thúc Triều Tiên nối lại đối thoại, song cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ "vượt qua giới hạn đỏ" nếu lắp đầu đạn hạt nhân vào ICBM.

TTXVN/Tin Tức
Vấn đề Triều Tiên dậy sóng và mục đích bất ngờ ẩn chứa ở tầng sâu
Vấn đề Triều Tiên dậy sóng và mục đích bất ngờ ẩn chứa ở tầng sâu

Theo chuyên gia Nga, các nhà chính trị Mỹ không hi vọng gì vào việc Trung Quốc có thể thuyết phục được nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. Vậy tại sao câu chuyện về tham vọng của Bình Nhưỡng lại được đề cập hàng tuần, hàng ngày, thậm chí là hàng giờ, nhất là sau khi quân đội nhân dân Triều Tiên lên kế hoạch tấn công Guam?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN