Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 11/12 đã bổ sung thêm vào một loạt tuyên bố cứng rắn mà các quan chức ở Ankara gần đây nhằm vào Hy Lạp, đe dọa tấn công nước này, cụ thể là thủ đô Athens, bằng một tên lửa “trừ khi họ giữ bình tĩnh”.
“Nếu họ (Hy Lạp) không giữ bình tĩnh, nếu họ tìm cách mua thứ gì đó từ chỗ này hay chỗ khác, từ Mỹ để triển khai đến các đảo (tranh chấp), Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể đứng ngoài cuộc. Chúng tôi phải làm gì đó”, ông Erdoğan tuyên bố.
Trong bài phát biểu hôm 11/12 tại Samsun, miền bắc Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdoğan đã đề cập đến "Tayfun", một tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Thổ Nhĩ Kỳ phát triển. Tên lửa này đã được bắn thử vào tháng 10 trên Biển Đen và bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách khoảng 560 km, tầm bắn xa gấp hai lần so với các tên lửa hiện có trong kho vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng cường các phát ngôn cảnh cáo Hy Lạp trong những tháng gần đây trong bối cảnh Ankara cáo buộc Hy Lạp tăng cường quân sự hóa các đảo Aegean gần bờ biển của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong một lời đe dọa được lặp đi lặp lại, ông Erdoğan đã nói: “Chúng tôi có thể đột ngột tấn công vào một đêm khi thời điểm đến”.
Tuần trước, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlüt Çavuşoğlu cũng cảnh báo Hy Lạp ngừng quân sự hóa các đảo Aegean, nếu không Ankara “sẽ thực hiện các bước cần thiết trên thực địa”.
Mặc dù là đồng minh của NATO, hai quốc gia láng giềng trên đã bất hòa trong nhiều thập kỷ do một số tranh chấp song phương, bao gồm biên giới biển, yêu sách chồng lấn đối với thềm lục địa của họ và tranh chấp kéo dài ở đảo Síp.
Các quan chức Hy Lạp thường coi những tuyên bố trên của các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm vào công chúng ở trong nước. Tuy nhiên, với việc ông Erdogan phải đối mặt với một cuộc tái tranh cử đầy khó khăn vào năm tới, họ cũng lo ngại rằng Ankara có thể "hành động liều lĩnh".
Ngoài ra, với việc Hy Lạp phải đối mặt với một cuộc bầu cử kép vào năm tới, trong đó một chính phủ lâm thời có thể sẽ được thành lập giữa hai cuộc bầu cử, các quan chức chính phủ ở Athens cảnh giác rằng ông Erdogan có thể tính thời điểm hành động trùng với thời kỳ kém ổn định nhất này của nền chính trị Hy Lạp.
Đầu năm nay, Hy Lạp đã kêu gọi các đồng minh phương Tây ngăn chặn giọng điệu kích động của Thổ Nhĩ Kỳ nếu không sẽ gặp rủi ro trong một tình huống khác tương tự như cuộc xung đột ở Ukraine.