Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tờ Politico ngày 13/7, phát biểu trước các sĩ quan cấp cao tại khuôn viên Bộ Quốc phòng Pháp, ông Macron nhấn mạnh Pháp sẽ “tăng gấp đôi” ngân sách quốc phòng so với năm 2017, nâng lên mức 64 tỷ euro vào năm 2027. “Để được tự do, bạn phải khiến người khác e ngại. Để được e ngại, bạn phải đủ mạnh mẽ”, Tổng thống Pháp phát biểu.
Đây là bài phát biểu thường niên trước lực lượng vũ trang, được tổ chức trước thềm lễ duyệt binh Ngày Quốc khánh 14/7. Tuyên bố tăng ngân sách quốc phòng lần này cũng diễn ra ngay sau Hội nghị Thượng đỉnh NATO hồi tháng trước, nơi các đồng minh châu Âu đã cam kết nâng chi tiêu quốc phòng cốt lõi lên 3,5% GDP vào năm 2035, nhằm tăng khả năng phòng thủ.
Ông Macron khẳng định khoản ngân sách bổ sung sẽ không phải đi vay mà sẽ được huy động từ việc đẩy mạnh sản xuất và các hoạt động kinh tế.
Thủ tướng Pháp Francois Bayrou dự kiến sẽ công bố chi tiết cân đối thu chi khi trình bày các nội dung chính của ngân sách năm 2026 trong tuần tới. Dù tổng chi tiêu công của Pháp được dự báo sẽ giảm 40 tỷ euro, ngân sách quốc phòng vẫn sẽ tăng thêm 3,5 tỷ euro vào năm 2026 và 3 tỷ euro vào năm 2027.
Một dự thảo Luật Quy hoạch quân sự sửa đổi sẽ được trình lên vào mùa thu năm nay, tập trung hiện đại hóa lực lượng vũ trang, tăng cường phòng không, phát triển kho vũ khí không người lái, đạn dược thông minh và các hệ thống tác chiến điện tử.
Ông Macron cũng cho biết, bản Cập nhật Đánh giá Chiến lược Quốc gia dự kiến công bố cuối tuần này sẽ làm rõ các thách thức an ninh dài hạn của châu Âu, đặc biệt là những rủi ro tiềm ẩn tại khu vực biên giới phía đông.
Nhà lãnh đạo Pháp kêu gọi các nước châu Âu đẩy mạnh hợp tác quốc phòng: “Cùng nhau hành động, cùng nhau sản xuất, cùng nhau mua sắm vũ khí”. Pháp và Đức dự kiến sẽ nhóm họp Hội đồng Quốc phòng và An ninh chung vào cuối tháng 8 để đưa ra các quyết định mới.
Bên cạnh đó, Tổng thống Macron giao Bộ trưởng Quân đội Sebastien Lecornu và Tổng Tham mưu trưởng Quốc phòng, Tướng Thierry Burkhard, đàm phán với các quốc gia châu Âu quan tâm đến việc tham gia đối thoại chiến lược về vũ khí hạt nhân. Dự kiến, ông Macron cũng sẽ có bài phát biểu riêng về học thuyết hạt nhân của Pháp vào cuối năm nay.
“Trong thời đại cạnh tranh khốc liệt, không ai có thể đứng yên. Chúng ta đang dẫn trước, nhưng nếu không duy trì tốc độ, ngày mai sẽ bị vượt qua”, Tổng thống Macron nhấn mạnh trước các quan chức quốc phòng.